MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tràn lan tại khu vực bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng

Vi phạm trật tự xây dựng, "bôi trơn", nộp phạt là xong?

T.CHÍ LDO | 13/12/2017 16:44

Đó là ý kiến của ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý về khâu cấp phép xây dựng trong Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức diễn ra ngày 13.12.

Ông Phạm Sỹ Liêm nhận xét, trong quá trình xây dựng có khâu cấp giấy phép, nhưng lại không có khâu kiểm tra xem việc thực hiện ra sao, có đúng giấy phép được cấp không. Ông cho rằng đây là căn nguyên tình trạng vi phạm giấy phép xảy ra phổ biến. 

"Tôi lấy ví dụ, có trường hợp chủ đầu tư họ xây bao nhiêu tầng thì xây, chỉ cần bôi trơn cấp dưới, sau đó nộp phạt. Ở một số quốc gia, họ quy định rõ nếu muốn xây vượt một tầng thì doanh nghiệp sẽ nộp 25 tỷ USD. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì vi phạm pháp luật trong xây dựng chịu mức phạt còn rẻ hơn cả phí bôi trơn", ông Liêm nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam hoan nghênh những dự định cải cách thể chế của Bộ Xây dựng, bởi bộ này đang dự kiến sửa 4 luật liên quan, cũng như dùng một nghị định sửa nhiều nghị định theo hướng bỏ những giấy tờ, thủ tục không cần thiết.

Tuy vậy, ông Hiệp cho rằng, còn rất nhiều vấn đề mà Bộ Xây dựng cần quan tâm. Ông Hiệp dẫn chứng, ông tình cờ nhìn thấy giấy phép xây dựng từ thời Pháp thuộc năm 1921, in rất đẹp. Nội dung của giấy phép chỉ quy định ranh giới đất, mặt tiền.

“Còn bên trong thì ông muốn làm gì ông làm. Vì đây là đất nhà ông, miễn là không xâm phạm nhà khác. Chúng ta phải nghiên cứu xem. Còn hiện nay, chỉ riêng việc sửa cái toilet, chuyển toilet từ vị trí nọ sang vị trí kia cũng phải điều chỉnh giấy phép xây dựng. Cái đó nằm trong đất nhà người ta, không vi phạm đến nhà khác, không vi phạm mặt tiền, mật độ xây dựng vẫn thế, không vi phạm chiều cao thì làm sao phải điều chỉnh giấy phép?”, ông Hiệp đặt vấn đề.

Kể về một dự án của công ty mình đang thực hiện, ông Hiệp cho hay, dự án có 42 nhà liền kề, trong đó có 4 nhà cao 9 tầng. Nhưng nhà 9 tầng thì phải lên Sở Xây dựng cấp phép, còn nhà thấp tầng thì quận cấp phép.

“Chúng tôi thực hiện như thế. Nhưng ông quận lại bảo chúng tôi lên Sở, ông Sở thì lại bảo chúng tôi về quận. Loanh quanh mãi, chúng tôi mất đúng ba tháng để hoàn thành thủ tục”, ông Hiệp cho hay và đề nghị Bộ Xây dựng nên quy định rõ thẩm quyền cấp phép.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn