MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vi phạm trong kinh doanh rượu bị xử lý thế nào?

PHƯƠNG NGÂN LDO | 11/08/2022 09:32

TPHCM - Chỉ trong 3 ngày, tại TPHCM đã xảy ra liên tiếp 2 vụ ngộ độc rượu với 13 ca, trong đó 2 ca tử vong. Vậy quy định của pháp luật trong việc kinh doanh rượu thế nào?

Quy định về việc sản xuất và kinh doanh rượu

Theo Luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TPHCM, Điều 15, Luật Phòng chống tác hại rượu bia quy định về điều kiện cấp phép sản xuất rượu công nghiệp có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp; có dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất; Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Có nhân viên kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.

Đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải có hợp đồng mua bán với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu và có đăng ký với UBND cấp xã nơi có cơ sở sản xuất; Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Đối với các hoạt động mua bán, kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải đăng ký kinh doanh và đáp ứng điều kiện theo từng loại hình mua bán rượu.

Nghị định 105/2017/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP về kinh doanh, phân phối rượu quy định: Phải đăng ký kinh doanh theo quy định, bảo đảm dây chuyền máy móc và các điều kiện về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hoá rượu.

Đối với doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh rượu phải có hệ thống phân phối rượu, có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất, phân phối rượu hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.

Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán lẻ rượu phải đăng ký kinh doanh, có địa điểm hợp pháp, cố định, rõ ràng; có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.

Chế tài trong kinh doanh rượu

Đối với những vi phạm trong việc kinh doanh rượu, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ hoặc kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ mà không đăng ký theo quy định.   

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ có hành vi cung cấp thông tin về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên có hành vi cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.

Theo Luật sư Trương Văn Tuấn, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia quy định rõ: cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký hoặc kinh doanh, tàng trữ rượu bia không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật.

Chủ tiệm tạp hoá/chủ quán rượu không có giấy phép kinh doanh hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng theo quy định tại điều 25 nghị định 98/2020.

Tiệm tạp hoá/quán rượu nếu chỉ bán lại mà không phải pha chế trực tiếp thì không truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nếu pha chế trực tiếp rượu có sử dụng chất cấm, chất vượt quá mức cho phép hoặc nếu chủ quán/nhà hàng bán rượu mà biết rượu đó được pha chế có sử dụng chất cấm hoặc chất vượt quá mức cho phép thì có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn