MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi, vì sao thế?. Ảnh minh hoạ.

Vì sao các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi?

Minh PHương LDO | 27/08/2018 19:00
Một trong những nguyên nhân khiến đồng loạt các ngân hàng (NH) tăng lãi suất tiền gửi được chuyên gia nhận định là do lãi suất phải đủ hấp dẫn để tránh tình trạng người gửi rút tiền Việt ra để mua USD, chờ giá USD lên và bán ra kiếm lời.

Lãi suất cao nhất lên đến 8,6%

Trong biểu lãi suất mới cập nhật, BIDV mới công bố biểu lãi suất mới, điều chỉnh lãi suất ở nhiều kỳ hạn thêm từ 0,1-0,2%/năm.

Kỳ hạn 1-2 tháng hiện là 4,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên 5,3%/năm, đồng loạt tăng thêm 0,2%/năm so với trước; kỳ hạn 13 tháng lên 6,8%/năm tăng 0,1%/năm... 

Tại Techcombank, NH này điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn một tháng tăng 0,1 điểm % lên 4,6%/năm đối với tài khoản tiền dưới 1 tỉ đồng; lãi suất ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng cũng tăng 0,1 điểm % lên mức 6,5%, khách hàng gửi tiết kiệm online có thể được hưởng lãi suất 6,8%.

Tại HDBank, khách hàng gửi tiết kiệm các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng lĩnh lãi định kỳ hoặc cuối cùng, mức lãi suất tăng thêm tối đa lên 0,5%/năm, đưa lãi suất cao nhất cho khoản gửi tiết kiệm là 7,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng điều chỉnh lãi suất tăng khá mạnh. Trên biểu lãi suất của NH này, các kỳ hạn dài tăng khá mạnh so với trước, như kỳ hạn từ 24 tháng tăng 1,4% lên tới 8,6%/năm; các kỳ hạn 7-11 tháng cũng lên mức 7,8%/năm, tăng thêm 0,4%/năm so với trước đó.

Hàng loạt NH khác như TPBank, SeABank, Nam Á Bank, VIB Bank… cũng đẩy mức lãi suất tiền gửi lên cao. Trong đó, có NH tăng lãi suất 1%-1,5% đối với vay trung và dài hạn.

Tránh tình trạng mua USD

Nói về nguyên nhân nhiều NH đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, trao đổi với Lao Động, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - cho rằng, hiện nay NH Nhà nước vẫn cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 45% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Nhưng từ ngày 1.1.2019, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm về còn 40%.

Chính vì vậy, nhiều NH cần tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài để đẩy mạnh huy động nguồn vốn dài hạn. Nghĩa là các NH phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.

"Mặt khác, thời gian gần đây, đồng USD đang trong xu hướng tăng giá nên nhiều NH tăng lãi suất huy động để tránh việc khách hàng rút tiền đồng ra để đầu cơ vào đồng USD. Tức lãi suất tiền Việt phải đủ hấp dẫn để tránh tình trạng người gửi tiền rút tiền Việt ra để mua USD, chờ giá USD lên và bán ra kiếm lời" - TS. Trí Hiếu khẳng định.

Thêm một lý do nữa là từ nay đến cuối năm, những biến động thị trường tài chính thế giới có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam. Ví dụ tới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến lãi suất huy động trong nước tăng, từ đó kéo theo lãi suất cho vay có thể tăng theo. Nếu lãi suất tiếp tục tăng cao, khách hàng gửi tiền hưởng lợi. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bất động sản, BOT, BT… sẽ gặp khó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn