MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao chưa tăng thuế chứng khoán thời điểm này?

Vương Trần LDO | 11/01/2022 19:33
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn của Quốc hội cho hay, chính sách thuế cần nghiên cứu thận trọng, nhất là chính sách liên quan đến thị trường chứng khoán - kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Chưa đủ cơ sở để tăng thuế chứng khoán

Chiều tối nay (11.1), ngay sau khi bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp.

Báo chí đặt vấn đề: Tại kỳ họp này, khi thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ có ý kiến đại biểu đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, cơ quan có liên quan hồi âm ý kiến này, nêu rõ trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất đối với các giao dịch, nhất là giao dịch chứng khoán, bất động sản... cần phải nghiên cứu thận trọng trước khi áp dụng, để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của thị trường. Tại Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu phương án tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vậy cơ sở và lộ trình của yêu cầu này như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhìn nhận, các bộ chuyên môn giải thích lý do chưa tăng thuế chứng khoán, bất động sản là hợp lý. Do đó, chưa có đủ cơ sở để trình tăng thuế tại kỳ họp này.

Tuy nhiên, đề án xây dựng pháp luật cho nhiệm kỳ này đã giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu lộ trình cụ thể hoàn thiện các đạo luật về thuế. Để ban hành chính sách nói chung cũng như chính sách thuế cần tổng kết, đánh giá tác động kỹ càng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng giải thích thêm: Chính sách thuế cần nghiên cứu thận trọng, nhất là chính sách liên quan đến thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Theo ông Toàn, những chính sách quan trọng như tăng thuế với giao dịch chứng khoán hay bất động sản thì rất cần lắng nghe từ cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, đối tượng chịu sự tác động.

"Nếu chỉ lắng nghe một phía thì chưa toàn diện. Nhất là thị trường chứng khoán có số lượng các nhà đầu tư lớn. Chừng nào chưa có đánh giá tác động rõ ràng thì chưa xem xét, điều đó thể hiện sự thận trọng cần thiết của Quốc hội" - ông Toàn nói.

Xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức vi phạm trong vụ Việt Á

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới sai phạm trong vụ mua bán kit xét nghiệm của công ty Việt Á, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Dự thảo Nghị quyết chung của kỳ họp được Quốc hội thông qua và phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội cũng đã khẳng định rõ quan điểm của Quốc hội trong việc giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành triển khai một số nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: T.Vương

Trong đó có nêu rõ nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Đặc biệt là trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế để tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công, thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm nếu có liên quan đến Công ty Việt Á.

“Một nguyên tắc đó là xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân, vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào. Đó là quan điểm chung trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta. Đây là vấn đề đã được nêu rất cụ thể trong Nghị quyết của Quốc hội. Vụ việc đang trong quá trình điều tra. Do đó, phải đợi cơ quan điều tra, và sau khi cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục tố tụng và khi Tòa án tổ chức xét xử thì chúng ta mới có kết quả cuối cùng”, ông Cường cho hay.

Cũng tại họp báo, báo chí có đặt vấn đề liên quan tới việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá hơn 2,4 tỉ đồng/m2 đất ở Thủ Thiêm (TPHCM) nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý hơn khi mới đây có thư của đơn vị này xin đơn phương chấm dứt hợp đồng đấu giá.

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc tổ chức đấu giá công khai, chúng ta đang làm rất minh bạch.

“Nếu như Tân Hoàng Minh rút lui thì khả năng sẽ mất tiền đặt cọc. Quá trình đấu giá cũng giống chuyện chúng ta thực hiện các giao dịch mua bán bất động sản”, ông Cường nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn