MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Vì sao chứng khoán không bị bán tháo liên tiếp khi COVID-19 tái bùng phát?

Thế Lâm LDO | 01/08/2020 14:07

Khi thông tin tái bùng phát COVID-19 tại Đà Nẵng ập đến, thị trường chứng khoán đã có 3 phiên giảm mạnh vào các ngày 24, 27 và 29.7. Tuy nhiên, tình trạng tháo chạy chỉ diễn ra mạnh mẽ nhất trong phiên giao dịch ngày 24.7 vì thông tin COVID-19 đến đột ngột, và cũng vì phản ứng nhất thời của nhà đầu tư.

3 phiên giảm và những lực cân

Phiên giao dịch sáng ngày 24.7 là phiên nhà đầu tư nhất thời bán tháo cổ phiếu ra ồ ạt nhất. Tuy nhiên về phiên giao dịch chiều, lực bắt đáy cũng mạnh mẽ không kém giúp hấp thụ lượng cổ phiếu bán tháo. Trong phiên này, khối ngoại cũng đột ngột mua ròng hơn 270 tỉ đồng trên toàn thị trường.

Phiên giao dịch ngày 27.7 VN-Index giảm tới 43,99 điểm tương ứng 5,31%. Tuy nhiên, lực mua bắt đáy cũng chờ chực trên thị trường, cùng với phiên thứ hai khối ngoại mua ròng mạnh, giúp cho thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 7.000 tỉ đồng, đồng thời cũng giúp cho thị trường xuất hiện phiên hồi kĩ thuật vào ngày hôm sau.

Với phiên giảm 22,52 điểm ngày 29.7 tương ứng 2,77%, lực bắt đáy mạnh và sức mua cổ phiếu giá tốt đã khiến cho đà giảm điểm được thu hẹp. Gần như không xảy ra tình trạng bán tháo như phiên ngày 24.7 hoặc một phần của ngày 27.7 vào phiên sáng.

Tình trạng bán tháo đã không kéo dài nhiều phiên thứ nhất là nhờ sự mua ròng đột ngột và mạnh mẽ của khối ngoại giúp tạo ra lực cân về tâm lí. Thứ hai, thị trường cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài chờ cơ hội bắt đáy hoặc chờ cổ phiếu giảm xuống mức giá hấp dẫn để mua vào.

Thứ ba, nền thị trường đã hoàn toàn khác dạo tháng 2 và 3. Đầu tiên là phản ứng trước dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát từ Đà Nẵng được đánh giá là kịp thời, ứng phó bài bản và cho thấy đã có kinh nghiệm xử lí. Tiếp đến, nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quí II khá khả quan trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế khá nặng nề. Thêm nữa, thị trường cũng dần quen với việc “sống chung với COVID-19”.

Dường như rất ít áp lực giải chấp

Trong các đợt giảm điểm sâu và kéo dài của thị trường, việc bán tháo cổ phiếu ồ ạt và liên tiếp không chỉ do hoảng loạn nhất thời mà còn do phải bán giải chấp (force sell) vì nhà đầu tư đã sử dụng công cụ giao dịch kí quĩ (margin). Tình trạng này thường rơi vào các nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn.

Tuy nhiên trong những phiên giảm mạnh vừa qua, các phiên giảm sâu không kéo dài và liên tục. Thậm chí, trong tuần giao dịch cuối tháng 7 VN-Index còn diễn biến “răng cưa” phiên giảm – phiên tăng, chỉ số VN-Index mất tổng cộng 30,77 điểm trong tuần, tương mức giảm 3,7%. Với mức giảm này, thậm chí cộng với cả mức giảm 3,22% của phiên giao dịch ngày 24.7, tính ra mức giảm bình quân trên thị trường cũng chưa đạt đến ngưỡng tạo ra áp lực bán giải chấp.

Song yếu tố quan trọng nhất có lẽ nằm ở tính chất thị trường và nhà đầu tư tham gia thị trường trong giai đoạn từ tháng 4.2020 trở lại đây. Trong khoảng 4 tháng qua, dòng tiền tạo ra lực trụ trên thị trường, kích hoạt thị trường sôi động và bùng nổ thanh khoản, chủ yếu đến từ nhà đầu tư F0 với khoảng 150.000 tài khoản chứng khoán được mở mới từ tháng 3-6.2020. Nhà đầu tư F0 hầu hết tham gia thị trường bằng vốn tự có mà ít sử dụng công cụ margin, cho nên không bị áp lực bán tháo để giải chấp.

Theo thống kê, dư nợ giao dịch kí quĩ (margin) vào thời điểm cuối quí II/2020 của Top 20 công ty chứng khoán khoảng  48.700 tỉ đồng, còn thấp hơn con số hơn 50.700 tỉ đồng vào thời điểm cuối quí IV/2019, trong khi thanh khoản thị trường lại tăng mạnh, cho thấy dòng tiền đa phần đến từ vốn tự có của nhà đầu tư cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn