MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao có những doanh nghiệp 3 tháng không nhập xăng dầu?

Cường Ngô LDO | 12/10/2022 11:06

Chỉ 19 trong số 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập khẩu, còn lại không thấy nguồn hàng về. Câu hỏi đặt ra là hạn mức nhập khẩu đối với những doanh nghiệp này là bao nhiêu? Việc kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu theo hạn ngạch được Bộ Công Thương giám sát như thế nào?

14 doanh nghiệp không nhập giọt xăng nào?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), nguồn xăng dầu nhập khẩu trong quý 3/2022 của các doanh nghiệp đầu mối giảm mạnh. Cụ thể, trong quý 3, sản lượng nhập khẩu xăng giảm đến 40%, dầu diesel giảm 35% so với quý 2.

Đặc biệt, theo Tổng cục Hải quan, chỉ có 19 trong số 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập khẩu, còn lại không thấy nguồn hàng về. Trong đó, có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng quý 3 cũng không nhập, như Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil. 

Hay 2 doanh nghiệp đầu mối khác cũng không có lượng nhập hàng ghi nhận trong quý 3, đó là Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Câu hỏi đặt ra là, đối với 14 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu còn lại, trong quý 3, hạn mức nhập khẩu là bao nhiêu? Việc kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu theo hạn ngạch được Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát đối với những doanh nghiệp này ra sao - trong bối cảnh xăng dầu trong nước bán nhỏ giọt, người dân phải chờ hàng tiếng đồng hồ để đổ xăng.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, một chuyên gia có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xăng dầu nhận định, trong 33 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, phân nửa doanh nghiệp không lấy mục đích kinh doanh xăng dầu, mà sử dụng hạn mức vay ngân hàng, ưu đãi được các doanh nghiệp nước ngoài cho nợ tiền hàng với lãi suất 0% để sử dụng vào mục đích kinh doanh khác như bất động sản, nông sản, tài chính...

  Một cây xăng ở Bình Dương đóng cửa. Ảnh: Đình Trọng

Về vấn đề điều hành giá, theo vị chuyên gia này, theo nguyên tắc, điều hành giá xăng dầu sẽ lấy giá bình quân của thế giới 10 ngày trước để làm căn cứ tính giá cơ sở, áp dụng giá cho 10 ngày sau. Như vậy, giá cơ sở xăng dầu được áp dụng tại thị trường Việt Nam sẽ chậm hơn giá thế giới khoảng 20 ngày.

Khi chậm hơn 20 ngày, với nhà điều hành, khi điều chỉnh giá của 10 ngày trước sẽ biết được xu hướng giá của 10 ngày tiếp theo như thế nào, từ đó, điều chỉnh giá cho phù hợp, doanh nghiệp đỡ lỗ.

"Từ những nguyên nhân trên, khi có biến động thị trường hoa hồng của doanh nghiệp trong nước; cộng với việc đến kỳ hạn trả tiền hàng xăng dầu cho doanh nghiệp nước ngoài, mà doanh nghiệp được cấp phép đầu mối xuất nhập khẩu kinh doanh xăng dầu trong nước chưa trả được nợ sẽ bị ngân hàng bảo lãnh, cho vay trong nước siết lại hạn mức tín dụng,

Hệ luỵ sẽ dẫn tới đứt nguồn, hụt sản lượng nhập khẩu cho tiêu dùng trong nước, làm ảnh hưởng chung đến hạn mức, vốn vay của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính khác ở trong nước", vị chuyên gia bày tỏ.

Cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong điều hành

Sau những phản ánh của doanh nghiệp về việc chiết khấu hoa hồng về 0, chi phí định mức chưa tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp càng bán càng lỗ, mới đây, Bộ Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11.10.

Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, để xảy ra những xáo trộn trên thị trường xăng dầu thời gian qua, nguyên nhân căn bản là sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong điều hành và là bài học cần được rút ra cho các cơ quan quản lý trong thời gian tới.

"Tôi nghĩ rằng ở đây có nhiều bài học cần phải được rút kinh nghiệm, tức là phải có phản ứng kịp thời, nhưng đồng thời cũng phải đối thoại với các doanh nghiệp, tính toán đầy đủ các chi phí của doanh nghiệp và tạo động lực lành mạnh và cần thiết cho các doanh nghiệp", ông nói.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, về quản lý thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương đang có vấn đề - khi mà thị trường thay đổi rất nhanh chóng nhưng chúng ta chưa theo kịp.

Trước hết về cơ chế, hiện cơ chế giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối và bán lẻ chưa rõ ràng, cụ thể. Tính độc lập (tương đối) và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp ở từng khâu chưa được đề cao và chưa mang tính độc lập. Vì thế, cho nên việc "ép giá" đã xảy ra.

Điều thứ hai, chúng ta thấy rằng do việc không tính đúng, tính đủ nhu cầu và sản lượng tiêu thụ của từng địa phương. Cần phải cụ thể từng tháng, từng quý để đảm bảo nhu cầu, không để thiếu đột xuất.

"Thêm nữa, việc phân phối hạn mức nhập khẩu đã có, nhưng khâu kiểm tra, giám sát xem các đầu mối có nhập đúng, nhập đủ theo đúng thời hạn quy định hay không cũng là một đòi hỏi rất quan trọng", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn