MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số doanh nghiệp từ chối hợp đồng xuất khẩu sang Bangladesh. Ảnh: Vũ Long

Vì sao doanh nghiệp từ chối chỉ tiêu xuất khẩu gạo?

Vũ Long LDO | 07/04/2021 14:45

Được giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo sang Bangladesh, nhưng nhiều doanh nghiệp đã từ chối, trả lại hợp đồng.

Theo tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - Công ty Cổ Phần (Vinafood 2) đại diện Việt Nam trúng thầu 50.000 tấn gạo của Bangladesh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có công văn phân bổ chỉ tiêu hợp đồng đến 207 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước.

Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp không nhận chỉ tiêu xuất khẩu gạo đi Bangladesh và đã trả lại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Theo danh sách phân bổ chỉ tiêu đợt 1 của VFA đến 207 doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo danh sách cập nhật của Bộ Công Thương, thì tất cả các doanh nghiệp đều được phân bổ chỉ tiêu bằng nhau là 194 tấn/doanh nghiệp. Riêng Vinafood 2 là 10.036 tấn.

Ở lần phân bổ thứ 2 (bổ sung số gạo mà các doanh nghiệp khác từ chối), số lượng gạo tăng lên mức 138 tấn/doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có hơn 100 doanh nghiệp đồng ý nhận chỉ tiêu phân bổ của VFA, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài không nhận thực hiện.

Nguyên nhân các doanh nghiệp từ chối nhận chỉ tiêu phân bổ hợp đồng Bangladesh là do số lượng gạo xuất khẩu quá nhỏ, và thường thì các hợp đồng Chính phủ thanh toán tiền rất chậm, khoảng 4 - 6 tháng mới xong nên nhiều doanh nghiệp không muốn làm.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, nêu ý kiến: Xuất khẩu đi Banladesh là đúng, đây là hợp đồng tập trung do Vinafood 2 đại diện ký, VFA chịu trách nhiệm phân bổ cho các thương nhân có giấy phép xuất khẩu gạo.

“VFA phải thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương, thương nhân nào không làm (nhận chỉ tiêu được giao) thì VFA tiếp tục lấy số gạo đó chia tiếp lần 2 cho các thương nhân xác nhận thực hiện. Nếu không có doanh nghiệp nào nhận thì Vinafood 2 phải làm cả 50.000 tấn với tư cách là đại diện hợp đồng. Về kinh doanh xuất khẩu gạo của các thương nhân là làm theo Nghị định 107 của Chính phủ, không ai tự tiện được” – ông Phạm Thái Bình nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn