MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền?

Anh Tuấn LDO | 07/01/2021 16:30

Bộ Công Thương cho biết, đã xảy ra tình trạng mất cân đối nguồn cung điện khi miền Bắc và miền Trung thừa, trong khi, ở miền Nam lại thiếu.

Thông tin tại báo cáo phục vụ hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương, sáng nay (7.1), Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cả năm ước đạt gần 237,561 tỉ kWh, tăng 3,43% so với năm 2019.

Tính chung cả giai đoạn 2016 -2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu ước đạt 1.049,3 tỉ kWh, tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn là 8%.

Mặc dù ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc lập và thực hiện quy hoạch điện vẫn còn bất cập. Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo cung ứng điện.

"Do mất cân đối nguồi cung điện giữa các vùng miền cho nên ở miền Bắc và miền Trung thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu", Bộ Công Thương nêu, đồng thời cho biết, tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt gần 60% so với quy hoạch.

Bộ Công Thương cho biết, đã xảy ra tình trạng mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ảnh: EVN

Ngoài ra, nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh, song hệ thống truyền tải điện chưa theo kịp cho nên một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát.

Đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo mới đây cũng có văn bản trả lời Hiệp hội Năng lượng Việt Nam về kiến nghị "kéo dài cơ chế giá FiT cho điện gió, điện mặt trời".

Theo cục này, mặc dù cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển điện mặt trời, phù hợp với thị trường mới như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách giá FiT có một số hạn chế, như các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng bức xạ mặt trời tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, ảnh hưởng đến ổn định lưới điện, gia tăng cạnh tranh về đất đai.

Ngoài ra, cơ chế quyết định giá có hạn chế trong kiểm soát quy mô và kế hoạch phát triển nguồn và hệ thống. Mức giá mua bán điện mặt trời khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, chính sách và quy định về phát triển điện mặt trời cần được xem xét, nghiên cứu điều chỉnh hướng tới tiệm cận thị trường cạnh tranh. Đồng thời đảm bảo tăng cường hiệu quả quản lý, đầu tư và vận hành hệ thống ổn định, chất lượng.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá việc nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá ngược giá điện là "cần thiết, phù hợp với xu hướng trên thế giới".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn