MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án cải tạo nâng cấp đường ĐT.477 đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi khu 50ha mở rộng Khu công nghiệp Gián Khẩu (Ninh Bình). Ảnh: Diệu Anh

Vì sao Ninh Bình có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước?

DIỆU ANH LDO | 14/01/2023 08:15

Tính đến ngày 31.12.2022, Ninh Bình là địa phương duy nhất trên cả nước có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%. Kết quả này cho thấy các cấp ủy, chính quyền tại Ninh Bình đã rất sát sao với công tác giải ngân vốn đầu tư công. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công được thực hiện bài bản, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, đảm bảo phù hợp với khả năng huy động nguồn lực.

Đầu tư công là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình năm 2022 ước đạt 29.949,7 tỉ đồng, vượt 10,3% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với năm 2021. Trong đó, tỉ giải ngân vốn đầu tư công của Ninh Bình khoảng 6.206 tỉ đồng, đạt 96,7% so với kế hoạch trong năm 2022.

Cũng theo ông Nguyễn Cao Sơn, để có được kết quả này, ngay từ đầu năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/2022/NQ-CP ngày 8.1.2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước. Tỉnh Ninh Bình đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công từ sớm, bài bản, đúng trình tự, thủ tục theo quy định, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực. Việc bố trí vốn đảm bảo tập trung, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư.

 

10 tỉnh, thành phố có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước năm 2022.

"Tỉnh xác định đầu tư công là động lực góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế; phát triển cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" - ông Sơn cho hay.

Giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với chất lượng công trình

Trong năm 2022, nhiều dự án có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Một số công trình, dự án chủ yếu trong năm 2022 có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn như: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1) ước đạt 223,4 tỉ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối quốc lộ 1A với quốc lộ 10 ước đạt 191,0 tỉ đồng; Dự án cải tạo nâng cấp đường ĐT.477 đoạn từ ngã ba Gián Khẩu đến hết phạm vi khu 50 ha mở rộng Khu công nghiệp Gián Khẩu ước đạt 115,0 tỉ đồng…

Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, các dự án chỉ được trình và quyết định chủ trương đầu tư theo đúng thẩm quyền và đã xác định rõ nguồn vốn, khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Đồng thời, các cấp, ngành, chủ đầu tư tập trung thực hiện nghiêm túc các giải pháp về để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gắn với nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn vốn.

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Ninh Bình khoảng 6.206 tỉ đồng, đạt 96,7% so với kế hoạch trong năm 2022. Ảnh: Diệu Anh

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã cơ bản nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình về việc nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán khối lượng hoàn thành trong năm 2022, chú trọng hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Do đó, tỉ lệ giải ngân đạt cao so với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cũng theo ông Tùng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của các công trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ công tác gồm 13 thành viên, trong đó Tổ trưởng là Chủ tịch UBND tỉnh.

Nhiệm vụ chính của tổ công tác là giải quyết những công việc liên quan đến tiến độ thực hiện, chất lượng công trình, tiến độ giải ngân các nguồn vốn năm 2022 và các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện giải ngân hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư phát triển giao năm 2022. Đồng thời, đề xuất xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị, chủ đầu tư được giao vốn kế hoạch đầu tư công nhưng giải ngân chậm, không giải ngân hết số vốn đã được giao mà không báo cáo, đề xuất điều chuyển nguồn. 

"Việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh phải đi đôi với chất lượng các dự án, công trình phải tốt" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng khẳng định.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tỉ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng của năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch. Trong đó, chỉ có 1 tỉnh duy nhất là Ninh Bình có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%. Có 12 Bộ và 17 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80% trong năm 2022. Một số Bộ có tỉ lệ giải ngân đạt cao gồm: Hội Nhà văn (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (92,62%). Cùng với đó, 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước năm 2022 gồm có: Ninh Bình, Hà Nam, Bình Định, Kiên Giang, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Tiền Giang, Lào Cai và Hậu Giang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn