MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao ông Hồ Quang Cua không nhượng quyền giống lúa ST25 cho doanh nghiệp?

Cường Ngô LDO | 21/05/2021 13:16

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phân tích, việc ông Hồ Quang Cua không muốn nhượng quyền sở hữu giống lúa ST25 cho doanh nghiệp để tránh sự độc quyền.

Ông Hồ Quang Cua chưa có văn bản đề nghị nhượng bản quyền gạo ST25 cho Nhà nước

Sau khi gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ và mới đây là ở Úc, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới năm 2019 - bày tỏ mong muốn được nhượng bản quyền giống lúa thơm ST25 lại cho Nhà nước.

Trước nguyện vọng này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã giao cho Cục Trồng trọt làm đầu mối, liên hệ với ông Cua và hướng dẫn những thủ tục pháp lý cần thiết.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, Cục đã liên hệ với ông Hồ Quang Cua và hướng dẫn ông Cua, cũng như doanh nghiệp Hồ Quang Trí có văn bản đề nghị chính thức ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lấy đó là cơ sở để Bộ báo cáo và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Hồ Quang Cua chưa có văn bản đề nghị, bày tỏ nguyện vọng của mình.

Ông Hồ Quang Cua bày tỏ nguyện vọng muốn nhượng quyền sở hữu giống ST25 cho Nhà nước. Ảnh: Nhật Hồ

"Khi Cục Trồng trọt trao đổi với ông Hồ Quang Cua, ông Cua mong muốn hai bên làm việc trực tiếp vì có nhiều vấn đề phức tạp, cần phải bàn bạc kỹ lưỡng. Song, thời điểm này, dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành, nên chúng tôi chưa có điều kiện làm việc đó", ông Cường thông tin.

Nói về vấn đề định giá mua bản quyền giống lúa ST25, lãnh đạo Cục Trồng trọt - khẳng định - đây là vụ mua bán chưa có tiền lệ về chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ từ cá nhân cho cơ quan quản lý Nhà nước, cho nên việc định giá rất khó khăn.

"Phải hiểu bản chất của vụ việc này là chuyển quyền bảo hộ, nhưng theo Điều 28, 29 Luật Sở hữu trí tuệ - khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đứng ra mua một giống cây trồng nào đó thì giống cây trồng đó phải đảm bảo mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh, môi trường và các lợi ích khác.

Song, với giống lúa ST25 lại không thuộc diện này. Tuy nhiên, mong muốn được chuyển nhượng quyền sở hữu giống ST25 cho Nhà nước của ông Hồ Quang Cua là rất chính đáng và hoàn toàn phù hợp", ông Cường cho hay.

Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, còn nếu ông Hồ Quang Cua bán, chuyển quyền sở hữu giống lúa này cho một doanh nghiệp tư nhân nào đó thì rất dễ xảy ra tình trạng độc quyền.

Các doanh nghiệp khác hoặc hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân muốn tiếp cận giống lúa này để phổ biến rộng rãi là rất khó, vì phải có sự thoả thuận, trả phí và nhiều vấn đề khác.

Quy trình nhượng bản quyền cho Nhà nước thế nào?

Luật sư Lê Minh - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - cho biết, về quyền đối với giống cây trồng thì có thể chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, hoặc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng.

Trong đó chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng.

Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

Việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được thực hiện bằng hình thức ký hợp đồng hoặc bằng văn bản xác nhận. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng và phải làm thủ tục đăng ký.

"Như vậy về dân sự, người sở hữu quyền đối với giống cây trồng có thể chuyển giao cho một đơn vị sự nghiệp, tổ chức có chức năng nghiên cứu, ứng dụng giống cây trồng thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua hợp đồng" - Luật sư Minh cho hay.

Ngoài ra trường hợp hiến, biếu, tặng, cho, chuyển giao khác thì theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản này sẽ được Nhà nước Việt Nam tiếp nhận và được chuyển thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Theo quy định tại Điểm d, đ, Khoản 9 Điều 5, Nghị định số 29/2028/NĐ-CP thì có thể chuyển giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính hoặc đơn vị được Bộ Tài chính phân cấp; còn chuyển giao cho chính quyền địa phương, thì Sở Tài chính là đơn vị chủ trì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn