MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tiểu thương kinh doanh ngành bánh kẹo ở TPHCM chưa có kế hoạch nhập hàng cho dịp Tết 2022. Ảnh: Ngọc Lê

Vì sao tiểu thương TPHCM không dám trữ hàng mùa cao điểm Tết?

NGỌC LÊ - THANH CHÂN LDO | 17/12/2021 15:11
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không khí buôn bán hàng hoá Tết năm nay tại TPHCM khá trầm lắng. Hiện đang vào thời gian cao điểm, tuy nhiên nhiều tiểu thương không dám trữ hàng Tết vì đang “nghe ngóng” tình hình dịch bệnh.

Chợ vắng khách

Kinh doanh mặt hàng quần áo tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình) đã hơn 40 năm, bà Lý Ngọc Lài (sạp Ngọc Lài) chia sẻ, mọi năm, khoảng những ngày giữa tháng 12, các khách sỉ, lẻ từ các nơi tấp nập ra vào để nhập hàng, đóng hàng phân phối đi các tỉnh. 

“Năm ngoái cũng ảnh hưởng dịch nhưng hàng còn vào ra được, năm nay gần như không có khách tới chợ. Cả buổi sáng chỉ bán được 1-2 mẫu, có ngày còn không bán được mẫu nào. Khách từ các tỉnh thì e ngại dịch nên không tới chợ để lấy hàng, chỉ có một số mối quen gọi đặt và đóng hàng đi, gần như không có mối mới. Với sức mua và tình hình dịch hiện tại, tôi không dám trữ hàng vì sợ không bán được” - bà Ngọc Lài cho hay.

Không khí chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2022 ở các khu chợ như Bến Thành (quận 1), An Ðông (quận 5), Bình Tây (quận 6), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)... hiện đang rơi vào tình trạng im hơi lặng tiếng. Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng bánh, mứt, kẹo cho biết, chỉ mua vào một số lượng hàng tượng trưng để bán, thậm chí nhiều sạp kinh doanh chưa có kế hoạch mua hàng do lo ngại sức mua giảm trong dịp Tết sắp tới.

Theo bà Ứng Thị Liên - Trưởng ngành hàng bánh kẹo, mứt chợ Bình Tây (quận 6), mọi năm vào thời điểm 1-2 tháng cuối năm, các tiểu thương đã ứng tiền đặt hàng các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo để bán sỉ nhưng năm nay chưa cơ sở nào nhận. 

“Thông thường, các cơ sở phải sản xuất ít nhất một tháng mới có thành phẩm, trong khi đầu tháng 11.2021 là chuẩn bị thị trường Tết, nhưng giờ nhiều cơ sở báo họ không lấy được nguyên liệu từ các tỉnh và cũng chưa biết khi nào có hàng. Hiện, tiểu thương mua tới đâu bán tới đó chứ không dám nhập hàng nhiều, cũng không có hàng để dự trữ. Trước đây, thời điểm này tôi đã đặt cả chục tấn hàng nhưng giờ chưa động tĩnh gì. Bạn hàng các tỉnh cũng chưa rục rịch tái khởi động”- bà Liên chia sẻ.

Đứt nguồn cung, giá tăng

Nhiều tiểu thương cho biết, nguyên nhân khiến họ không dám trữ hàng một phần vì nhiều mặt hàng tăng giá cao, khách chê đắt. Cụ thể, giá hạt dưa tăng 30.000 đồng/kg, hạt bí tăng 10.000 đồng/kg, rong biển sấy khô tăng 60.000 đồng/kg, các loại mứt đều tăng giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg….

Sau thời gian dài giãn cách xã hội, hàng hoá của sạp bà Liên, chủ sạp bánh kẹo Liên Sài Gòn, tại chợ Bến Thành (Quận 1) đều bị hư hỏng do không được lau dọn thường xuyên. Từ khi chợ cho bán trở lại, bà Liên phải nhập toàn bộ hàng mới về với mức giá cao.

“Năm nay, các cơ sở thiếu nhân công, giá nguyên vật liệu tăng cao, họ chỉ sản xuất cầm chừng theo đơn đặt dẫn tới giá các loại bánh mứt đều tăng giá từ 20 - 30%. Thậm chí, một số loại hàng như mứt trái cây, hạt, không có hàng để nhập. Nếu khách có nhu cầu thì mình sẽ liên hệ với xưởng để đặt hàng chứ không ôm hàng trước như mọi năm” - bà Liên cho hay.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Ban Quản lý chợ An Đông - cho biết,  mãi lực chợ không cao, lượng khách tới chợ cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua tại chợ cũng giảm mạnh. Lượng khách giảm vì họ lo ngại dịch nên không tới chợ, có những sạp có khi cả tuần mới bán được một vài sản phẩm. 

“Hiện chỉ có khu vực thực phẩm bán các loại bánh kẹo, đồ khô, trà,... còn có khách mua sắm. Đối với khu vải sợi, đồ mỹ nghệ hầu như không có khách, sạp họ nghỉ cũng rất nhiều. Giày dép, quần áo ở thời điểm này có tăng hơn so với tháng trước nhưng không cao” - bà Ngọc Hà chia sẻ.

Theo Sở Công Thương TPHCM, trong thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, sở sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để đưa hàng hoá giá rẻ tới tay người tiêu dùng. Hiện, thành phố đang tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung từ nay đến 31.1. Vào hằng năm, chương trình sẽ được tổ chức thành 2 đợt, tuy nhiên năm nay do vừa trải qua đợt dịch kéo dài, sức mua giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi sản xuất - kinh doanh nên chương trình tổ chức kéo dài nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cải thiện  đầu ra cho sản phẩm.

“Chương trình khuyến mãi tập trung mà thành phố đang triển khai cũng là cách để các doanh nghiệp từ hệ thống phân phối đến các nhà cung ứng phối hợp, đồng lòng tính toán một kế hoạch chung để giúp giữ giá và có thể giảm giá xuống. Tăng cường hàng hóa, hàng trong kho ra để cung ứng cho thị trường nhằm tăng sức mua. Đây là một trong những cách giúp hoạt động sản xuất tăng trưởng” - Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn