MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao vẫn phải dùng ngân sách xây dựng đường cao tốc?

Lam Duy LDO | 15/11/2021 17:40
Dù mô hình đầu tư công tư PPP được triển khai thành công ở nhiều dự án đường cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đề xuất dùng vốn ngân sách đầu tư 8/12 dự án đường cao tốc.
Hàng loạt dự án đường cao tốc triển khai theo mô hình PPP gặp khó khăn do không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc triển khai nhưng không ký kết được hợp đồng tín dụng. Ảnh: Đặng Tiến

Theo tờ trình vừa được Bộ GTVT gửi Chính phủ, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai đầu tư 729km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, được chia thành 12 dự án thành phần độc lập.

Tính toán sơ bộ của Bộ GTVT cho thấy, tổng mức đầu tư của 12 dự án thành phần này vào khoảng 148.492 tỉ đồng. Cơ cấu nguồn vốn dự kiến bao gồm 131.217 tỉ đồng vốn Nhà nước và 17.275 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Đáng chú ý trong số trên chỉ có 4 dự án thành phần được đề xuất triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) và 8 dự án thành phần còn lại triển khai theo hình thức đầu tư công gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Giải thích về nguyên nhân có đến 8/12 dự án đường cao tốc phải dùng vốn ngân sách, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nêu rõ, nếu triển khai toàn bộ các dự án thành phần theo hình thức PPP, mức độ thành công sẽ không cao, có thể phát sinh các tình huống không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai.

Theo đó, trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư sẽ phải báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển đổi sang đầu tư công, tiến độ có thể kéo dài thêm khoảng 9 tháng.

Hơn nữa, theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, ngay trong trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thành công nhưng không huy động được vốn vay, tiến độ dự án cũng sẽ kéo dài thêm khoảng 13 tháng so với phương án đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Thực tế khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, có 8/11 dự án ban đầu được lựa chọn triển khai theo hình thức PPP và 3/11 dự án đầu tư dùng vốn ngân sách.

Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà đầu tư phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành dự án, trong đó chủ yếu là huy động vốn tín dụng.

Để thúc đẩy tiến độ các dự án cũng như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm khôi phục nền kinh tế, Quốc hội sau đó quyết định chuyển đổi 3 trong 8 dự án thành phần nói trên từ hình thức PPP sang đầu tư công.

Với 5 dự án PPP còn lại, dù có tổ chức đấu thầu nhưng cũng chỉ có 3 dự án lựa chọn được nhà đầu tư gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Trong khi đó 2 dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư buộc phải chuyển đổi sang đầu tư công.

Đáng chú ý cũng trong tờ trình gửi Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, thực tế với 3 dự án PPP cao tốc giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai, dù có mức vốn Nhà nước hỗ trợ trên 50% tổng mức đầu tư và được đánh giá rất hiệu quả về tài chính so với các dự án PPP trước đây nhưng đến nay, các nhà đầu tư của 3 dự án này vẫn chưa ký kết được hợp đồng tín dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn