MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. Ảnh: Anh Tuấn

Việt Nam 8 năm xuất siêu liên tiếp, thặng dư ước đạt gần 30 tỉ USD

Anh Tuấn LDO | 20/12/2023 11:08

Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, năm 2023 là năm đáng tự hào của lĩnh vực xuất nhập khẩu khi cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỉ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương, sáng 20.12, bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm 2023 là đỉnh điểm khó khăn, xuất nhập khẩu trầm lắng, kéo theo sản xuất công nghiệp khó khăn.

Song, bằng sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, nền kinh tế vẫn đạt được một số kết quả tích cực, như chỉ số sản xuất toàn ngành của cả năm 2023 tăng khoảng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 3,1%; nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng.

Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cải thiện tích cực, mức giảm xuất khẩu của khu vực này thấp hơn nhiều so với mức giảm của khu vực FDI. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỉ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022.

Tuy nhiên, bà Thắng cũng chỉ rõ, dù ngành Công Thương đã có nhiều thành công trong những tháng cuối năm và về đích với kết quả tốt tuy nhiên vẫn còn một số điểm “mờ”.

Trong đó, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vốn, chi phí tuân thủ còn cao; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.

Mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Quy mô xuất khẩu chưa phục hồi so với năm trước và giảm khoảng 4,6% so với năm 2022. Cùng với đó, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn lớn; cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương. Ảnh: Anh Tuấn

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng đưa ra nhận định, năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Bà cho rằng, ngành Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới.

Đồng thời phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn