MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KHCN

Việt Nam có nhiều thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

MINH HẠNH thực hiện LDO | 14/09/2018 13:27
Bên lề Diễn đàn mở “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KHCN ông Bùi Thế Duy (ảnh).

- Với chủ đề “Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong cuộc CMCN 4.0”. Vậy theo ông, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam sẽ có những cơ hội và khó khăn gì?

- Hiện nay có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST) tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam như: Dự án IPP hợp tác với Chính phủ Phần Lan, Chương trình FIRST do Ngân hàng thế giới tài trợ... Những chương trình này đã góp phần đào tạo rất nhiều chuyên gia (mentor) để tư vấn cho các bạn khởi nghiệp, hoặc đào tạo T&T (trainer and trainer) tức đào tạo giáo viên để đào tạo các giáo viên khác, hoặc chương trình đào tạo trực tiếp cho các bạn trẻ có ý tưởng sáng tạo, có kết quả nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, về marketing cũng như năng lực thuyết trình. Ngoài ra còn có các câu lạc bộ khởi nghiệp ĐMST trong các trường học, tổ chức thúc đẩy chuyển giao công nghệ để đưa công nghệ vào sản xuất.

Một trong những khó khăn lớn nhất chính là nhận thức. Các bạn trẻ cần phân biệt được lập nghiệp với khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST. Khái niệm startup trên thế giới tương ứng với khởi nghiệp ĐMST, có nghĩa là phải khởi nghiệp từ những ý tưởng mới, những mô hình mới, hình thức kinh doanh mới, những kết quả KHCN mới để nhanh chóng phát triển DN và cạnh tranh trên toàn cầu.

- Hiện các DN rất cần hỗ trợ của Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Vậy Bộ KHCN đã có những chính sách gì để giúp DN khởi nghiệp phát triển trong cuộc CMCN 4.0 thưa ông?

- Ở Việt Nam, DN được chia ra làm 4 nhóm, thứ nhất là nhóm DN dẫn dắt, đi đầu như các tập đoàn lớn (của nhà nước và tư nhân). Nhóm 2 là các DNNVV (chiếm trên 95%). Nhóm thứ 3 là các DN KHCN và phát triển dựa trên các kết quả nghiên cứu KHCN, trong đó có các DN công nghệ cao. Nhóm cuối cùng là các doanh nghiệp ĐMST. Để tiếp cận cuộc CMCN 4.0 nói riêng cũng như để thúc đẩy nâng cao năng lực KHCN và ĐMST, Bộ KHCN có các chính sách khác nhau đối với mỗi một nhóm. Bộ KHCN đã hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để họ thử nghiệm công nghệ, đặc biệt là DN nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nhất để phát triển và có sức cạnh tranh với thế giới.

- Với mục tiêu “sẽ hướng ASEAN thành trung tâm đổi mới sáng tạo”do Bộ KHCN đề xuất. Ông nhận định thế nào về vai trò của giới trẻ trong việc thực hiện mục tiêu này?

- Việt Nam có những lợi thế nhất định, mặc dù Việt Nam vẫn là nước đi sau các nước như Singapore, Malaysia nhưng Việt Nam cũng là nước có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, đặc biệt là thuận lợi về sự nhiệt huyết của các bạn trẻ. Để làm mắt xích quan trọng trong việc kết nối ASEAN và thúc đẩy ĐMST, thúc đẩy ứng dụng phát triển KHCN, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, các bạn trẻ Việt Nam sẽ phải là trung tâm trong việc kết nối các nước trong khối ASEAN để thúc đẩy ĐMST, thúc đẩy ứng dụng và phát triển KHCN.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn