MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI sẽ góp phần quan trọng cho tăng trưởng GDP giai đoạn 2021 - 2023. Ảnh: Cao Nguyên

Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 6,76% giai đoạn 2021- 2023

Cao Nguyên LDO | 26/04/2021 10:41

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 được đánh giá dựa trên 3 kịch bản, trong đó tốc độ tăng GDP có thể đạt tới 6,76%. Các chuyên gia kinh tế nhận định, động lực tiếp theo vẫn là xuất khẩu, đầu tư công. Ngoài ra, cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, nơi nhiều doanh nghiệp đang lao đao trước tương lai bất định.

Những kịch bản lạc quan

Dù các nước đang đối mặt với nhiều nguy cơ và khó khăn do dịch COVID-19, tuy nhiên Việt Nam đang có những điểm sáng tích cực. Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế nội địa có xu hướng tăng trưởng…

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức 6-6,3%, cao hơn nhiều so với dự báo đưa ra vào cuối năm 2020. Theo VEPR, yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng, gồm: Kỳ vọng từ việc hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU. Tiến độ giải ngân và thi công dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn.

Cùng quan điểm, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2021-2023.

Theo đó, tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 3 năm là 6,3%. Ở kịch bản nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ, GDP tăng 6,4%, 6,8% và 6,8% với trung bình 3 năm là 6,7%. Ở kịch bản 3, GDP tăng lần lượt ở mức 6,47%, 6,9% và 6,9% với trung bình cả giai đoạn 3 năm tăng ở mức 6,76%.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, trước tiên cần tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021; kết hợp giải pháp phục hồi và cải cách thể chế kinh tế trong năm 2022; rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023.

Bà Minh nêu dự báo của nhóm nghiên cứu CIEM về triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023: "Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế sẽ dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ đúng trọng tâm và đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất".

Nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng

Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điểm sáng lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nhiều địa phương như: Bắc Giang, Hải Phòng với kết quả thu hút dòng vốn FDI từ năm 2020 đã khiến ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh. Nhiều ngành có tăng trưởng cao như: Thép cán, điện thoại…

Về mức tăng trưởng 4,48% trong quý I/2021, vị chuyên gia này cho rằng, đây là con số không cao so với trước đây nhưng lại cao so với điều kiện hiện nay và so với năm ngoái. “Chúng ta có thể tự tin để nói rằng đạt được mục tiêu đề ra bởi lẽ có nhiều điều kiện, nhiều thành tựu đã và đang có” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, hàng nghìn doanh nghiệp có thể phải rất lâu mới có thể vượt qua được tình trạng khủng hoảng. Do đó, Chính phủ có thể phải sử dụng nhiều hơn các hình thức hỗ trợ khác, như nâng cao kỹ năng mềm hoặc kiến thức chuyên môn cho doanh nghiệp. Những hình thức như vậy mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng quy mô tiếp cận sẽ hạn chế hơn nhiều.

Điều quan trọng nhất là cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, nơi nhiều doanh nghiệp đang lao đao trước tương lai bất định. Đồng thời, cần nâng cao kỹ năng của người lao động để đón đầu tương lai tốt đẹp hơn.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, muốn đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra có thể phải dùng các nỗ lực kích thích tài khóa về tiền tệ. Tuy nhiên, như vậy sẽ gây ra các rủi ro khác cho nền kinh tế, đặc biệt là rủi ro liên quan tới lạm phát và bong bóng giá tài sản. Theo vị này, động lực tăng trưởng trong quý tiếp theo vẫn là xuất khẩu, đầu tư công còn các lĩnh vực khác chưa thể phục hồi ngay được với tình hình hiện nay mà sẽ được cải thiện dần dần.

Phân tích thêm về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay, Chính phủ đang điều hành quyết liệt, kịp thời và đặc biệt có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Doanh, ưu tiên hàng đầu lúc này là bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp còn hoạt động.

“Cách đây mấy ngày, Chính phủ ban hành Nghị định số 52, theo đó lần thứ 3 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tôi cho rằng, đây là một chính sách tốt và được cộng đồng doanh nghiệp hồ hởi đón nhận”, ông Doanh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn