MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững trong giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội. Ảnh: VHTTDL

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững để xóa đói giảm nghèo

Vũ Long LDO | 19/08/2022 13:57

Thực hiện Chương trình 2030 quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu thành kế hoạch hành động.

Mục tiêu cao nhất của phát triển bền vững: Xóa đói giảm nghèo

Hiện nay, trên thế giới có 3 khái niệm phổ biến: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR), Tạo giá trị chung (Creating Shared Values – CSV), và Quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (Environmental, Social and Corporate Governance – ESG). Không những vậy, “Sự bền vững” (Sustainability) là một từ khóa ngày càng được nhắc tới nhiều hơn trong những cuộc thảo luận tại các chương trình nghị sự quốc tế, Chính phủ và phương hướng phát triển của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu thành kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình 2030 quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Sáng 19.8.2022, thay mặt phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU), chia sẻ về chủ đề “Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs): Yêu cầu toàn cầu và phản ứng của doanh nghiệp” tại hội thảo “Chiến lược CSR (trách nhiệm xã hội doanh nghiệp)/CSV (tạo giá trị chung) của doanh nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)” thuộc Dự án Win-Win for Viet Nam, bà Pia Buller - cán bộ Chương trình của Phái đoàn EU nhấn mạnh về ba yếu tố chính về các mục tiêu phát triển bền vững, coi các mục tiêu phát triển bền vững là khuôn khổ chung để giải quyết một số thách thức xã hội và môi trường cấp bách nhất trên thế giới.

Bà Pia Buller chia sẻ về các mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Vũ Long 

“Các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm các mục tiêu phải đạt được vào năm 2030 về xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm tốt, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, tiếp cận nguồn nước... Đây là lý do tại sao chúng tôi gọi nó là Chương trình nghị sự 2030” – bà Pia Buller nhấn mạnh.

Theo bà Pia Buller, các mục tiêu phát triển bền vững được thực hiện thành công sẽ dựa vào các chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển bền vững của các quốc gia.

Các quốc gia có trách nhiệm chính trong việc theo dõi và xem xét những tiến bộ đã đạt được ở quốc gia của mình. Các chính phủ cũng được yêu cầu hành động để thu thập dữ liệu chất lượng đúng thời hạn.

Vì vậy, về cơ bản Chương trình nghị sự 2030 là một khuôn khổ chung được sử dụng bởi các chính phủ quốc gia và mở rộng ra, là các nhà tài trợ quốc tế như EU. EU cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một mục tiêu ưu tiên cho các chính sách của EU trong các nước thuộc Liên minh Châu  Âu và hơn thế nữa.

Trên thực tế, việc thông qua các mục tiêu phát triển bền vững năm 2015 và thỏa thuận Hành động Khí hậu Paris đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của EU. Theo hướng này, chương trình chính trị của EU tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào tất cả các đề xuất, chính sách, chiến lược và các hành động cụ thể.

"Một trong những điểm mấu chốt trong cách tiếp cận của EU để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là sự tham gia và tham vấn của xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác.Theo yêu cầu, chính phủ Việt Nam có các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và báo cáo thường xuyên về tiến độ. Chính phủ Việt Nam cũng tổ chức các cuộc tham vấn các bên liên quan mà tôi đã tham gia” – bà Pia Buller thông tin.

Doanh nghiệp Việt hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Ông Trần Nhật Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thông Phát triển (Viện RED) nhấn mạnh: Mục tiêu tổng quát của Dự án Win-Win for Vietnam là thúc đẩy hoạt động CSR và CSV của khu vực tư nhân, đặc biệt là tăng cường hợp tác với CSOs nhằm hiện thực hoá SDGs thông qua CSVhub – một cơ chế hiệu quả để thúc đẩy kết nối giữa khối doanh nghiệp và CSOs tại Việt Nam. Dự án do EU đồng tài trợ và được RED Việt Nam – đơn vị chủ trì, phối hợp với ProNGO! e.V. (Đức), thực hiện.

Ông Trần Nhật Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thông Phát triển. 

Ông Minh cho rằng, 3 năm qua, Viện RED đã đi theo một hướng mới gọi là doanh nghiệp với phát triển bền vững, dựa trên bối cảnh các doanh nghiệp đang ngày càng hướng về phát triển bền vững.

“Chúng tôi xác định để doanh nghiệp hướng về phát triển bền vững thì bên cạnh tầm nhìn của ban lãnh đạo, rất cần tài năng của đội ngũ marketing. Chúng tôi coi đội ngũ marketing là trung tâm, thúc đẩy các đồng nghiệp marketing và doanh nghiệp lồng ghép các giá trị phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh và trách nhiệm xã hội của mình” – ông Trần Nhật Minh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn