MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ NNPTNT họp báo thông tin Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Vũ Long

Việt Nam đi trước thế giới trong sản xuất vaccine dịch tả lợn Châu Phi

Vũ Long LDO | 01/06/2022 15:31

Việt Nam đã sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước và hướng tới xuất khẩu vaccine ra thế giới.

Đưa vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi vào lưu hành

Sáng 1.6.2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo thông tin: Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi.

Dự kiến ngày 3.6.2022, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức công bố thành tựu này, đưa vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi vào lưu hành.

Đây là thông tin lạc quan trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đang diễn biến phức tạp, âm thầm lây lan tại nhiều tỉnh thành và gây nhiều thiệt hại trong 3 năm qua, kể từ khi xâm nhập vào Việt Nam (từ năm 2019).

"Việt Nam đã chính thức sản xuất được vaccine thương mại phòng bệnh tả lợn châu Phi, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng. Đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vaccine thương mại để phòng dịch bệnh này" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam và thế giới. Ảnh: Vũ Long

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, từ khi bệnh tả lợn Châu Phi được phát hiện, mặc dù có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến virus tả lợn châu Phi và phát triển vaccine của các nhà khoa học được công bố. Tuy nhiên, trên thế giới chưa có vaccine thương mại phòng bệnh tả lợn Châu Phi.

Việc nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh tả lợn Châu Phi gặp rất nhiều khó khăn và thử thách ở nước ta và trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Long - Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đầu tháng 11.2019 các nhà khoa học của Mỹ đã công bố nghiên cứu thành công chủng virus dịch tả lợn Châu Phi nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L.

Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch bệnh này của Việt Nam.

Từ tháng 7.2020, Bộ chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng giống virus dịch tả lợn Châu Phi nhược độc cắt gen dùng để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống bệnh ASF tại Việt Nam.

Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASF-G-Delta I177L từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào tháng 9.2020, Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu. Qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, kết quả 100% số lợn tiêm vaccine được bảo hộ. Còn trong điều kiện sản xuất có 80% số lợn tiêm vaccine được bảo hộ.

Bộ NNPTNT đã thành lập các Hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp bộ và tổ chức hàng chục cuộc họp với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, nhà quản lý và nhà sản xuất vaccine thú y để nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, hồ sơ đăng ký lưu hành vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco.

"Kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các Tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học thú y của Việt Nam. Ngày 17.5.2022, Viện nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vaccine NAVET-ASFVAC đảm bảo an toàn, hiệu lực" - ông Nguyễn Văn Long khẳng định.

Vaccine sẽ được đưa vào sử dụng trên toàn quốc

Theo ông Nguyễn Văn Long, trên cơ sở đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ đăng ký lưu hành vaccine của Công ty Navetco theo đúng quy định của Luật Thú y, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận lưu hành đối với vaccine của Công ty Navetco theo quy định; tổ chức giám sát chất lượng của 10 lô vaccine được sản xuất liên tiếp.

“Bộ cũng tổ chức giám sát việc sử dụng vaccine theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Sử dụng 600.000 liều ở diện hẹp, được giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đánh giá lưu hành virus vaccine và đáp ứng miễn dịch bảo hộ. Giai đoạn 2: Sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vaccine, Bộ sẽ xem xét chỉ đạo sử dụng vaccine ở phạm vi toàn quốc” – ông Nguyễn Văn Long nói.

Ông Trần Xuân Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco cho biết, về giá thành, dự kiến vaccine có giá từ 34.000-36.000 đồng/liều, tương đương vaccine phòng bệnh tai xanh.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm, từ tháng 3.2022 đến nay, loại vaccine thương mại đông khô DACOVAC-ASF2 đang được kiểm nghiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn