MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định việc điều hành chính sách tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế. Ảnh: Hải Nguyễn

Việt Nam điều hành tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh

Văn Nguyễn LDO | 29/10/2020 11:36

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam khẳng định, việc điều hành chính sách tỉ giá - trong khung khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm đạt các mục tiêu xuyên suốt, nhất quán là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế.

Các thông tin về cách thức điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá vừa được bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam đưa ra tại buổi làm việc với đại diện Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của đoàn cán bộ cấp cao Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Cụ thể theo bà Nguyễn Thị Hồng, Chính phủ Việt Nam và NHNN với vai trò là ngân hàng trung ương luôn điều hành chính sách thận trọng, linh hoạt nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, ngăn ngừa, hạn chế tác động của các cú sốc tiêu cực bên ngoài tới hoạt động kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, NHNN điều hành chính sách tỉ giá - trong khung khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm đạt các mục tiêu xuyên suốt, nhất quán là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế, không nhằm hỗ trợ chính sách cho từng ngành sản xuất hay gây thiệt hại cho các đối tác thương mại.

Trước đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào đầu năm 2020 ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” trong đó đưa danh sách các quốc gia cần giám sát gồm 10 nước, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia, Thụy Sĩ và Việt Nam.

Xung quanh nội dung này, đại diện NHNN cho hay, theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỉ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ. Các tiêu chí này đã được lượng hóa cụ thể tại Báo cáo tháng 1.2020 như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỉ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Tại báo cáo tháng 5.2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 09 quốc gia nằm trong Danh sách giám sát do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai. Báo cáo tháng 5.2019 cũng nêu một quốc gia vào danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ báo cáo tiếp theo.

Do đó, tại báo cáo tháng 1.2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách giám sát dù chỉ đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ 47 tỉ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương 1,7% GDP; Can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP. “Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ lập danh sách giám sát gồm 10 đối tác thương mại lớn, đồng thời kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ” - NHNN khẳng định.

Cũng theo NHNN, với việc Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát, trong thời gian tới, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn