MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số dấu hiệu tích cực đã xuất hiện ở nền kinh tế Mỹ sau nỗ lực chống lạm phát của FED. Ảnh: Xinhua

Việt Nam đối mặt với lạm phát đến từ thế giới

Quý An LDO | 14/07/2023 08:15

Trước diễn biến khó lường từ những yếu tố địa chính trị, kinh tế thế giới, nhiều thách thức không nhỏ được đặt ra cho nền kinh tế nước ta.

TS Hà Thị Đoan Trang (Khoa Tài chính Công - Học viện Tài chính) đánh giá, bối cảnh vĩ mô những tháng đầu năm 2023 tuy đã có dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ suy thoái sâu trong đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraina, (dẫn tới tình trạng lạm phát cao kỷ lục của năm 2022 lên tới mức trên 9% tại Mỹ và gần 11% tại châu Âu; hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên...).

Đến nay, tuy tình trạng lạm phát đã có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều này đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng khiến nhiều nền kinh tế có dấu hiệu rơi vào suy thoái.

“Tại Mỹ, tuy lạm phát vẫn ở mức cao so với mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đề ra, nhưng nhìn chung, giá cả đã có xu hướng tăng chậm lại ở nhiều khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5 ghi nhận mức tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022 và 0,1% so với tháng 4. Đây là mức tăng nhỏ nhất trong hơn 2 năm qua và là tháng thứ 11 giảm liên tiếp, điều này cho thấy tình hình lạm phát tại Mỹ đang dần được kiểm soát khi đã giảm hơn một nửa so với mức đỉnh của năm 2022” - bà Trang nhận định.

Tháng trước, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất và đây là dấu mốc đầu tiên chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp (tăng 5% trong vòng 14 tháng), giúp giữ nguyên lãi suất chính sách của Mỹ trong phạm vi 5-5,25%.

Theo PGS.TS Phan Thế Công (Trưởng khoa Kinh tế - ĐH Thương mại), Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao.

Do đó, nước ta phải chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỉ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Bên cạnh đó, thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm; cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng... Những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm đã bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn như các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng yếu kém...

Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp trong nước rồi đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động mạnh tới CPI. Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp lễ, tết cũng tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng.

Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể sẽ gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, kéo theo CPI tăng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn