MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
An ninh lương thực giai đoạn mới là chuyển từ "lượng" sang "chất", quan tâm đến các đối tượng yếu thế. Ảnh: Vũ Long

Việt Nam đủ điều kiện tập trung tăng chất lượng an ninh lương thực

Vũ Long LDO | 16/10/2021 14:17

Việt Nam xếp top đầu Đông Nam Á về an ninh lương thực và có đủ điều kiện để chuyển đổi an ninh lương thực từ “lượng” sang “chất”.

Hướng đến người nghèo và nông dân

Nhân ngày Lương thực Thế giới (16.10.2021), trao đổi với PV Lao Động sáng nay, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng: An ninh lương thực không chỉ là vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe, mà còn là vấn đề lao động, việc làm, an sinh... cho mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng nông dân - vốn là đối tượng chính sản xuất ra vật chất đáp ứng an ninh lương thực, nhưng lại đang hưởng phần lợi nhuận ít nhất.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25.3.2021 “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”, việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu đảm bảo để nông dân sản xuất lúa ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn có lãi bình quân trên 35% so với giá thành sản xuất. Thu nhập của người dân nông thôn cao hơn 2 lần năm 2020. Bên cạnh đó, cần phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu thông, phân phối để tăng cơ hội tiếp cận lương thực cho người dân...

Chuyển từ lượng sang chất

Cũng theo PGS.TS nguyễn Thường Lạng, với sứ mệnh cao cả đó, ngành nông nghiệp cần được đầu tư để phát triển theo hướng giảm số lượng và tăng chất lượng, tăng hiệu quả bằng mới hình nông nghiệp công nghệ cao, năng suất cao và thông minh. Lao động nông nghiệp cần được đào tạo bằng chiến lược bao trùm, hữu hiệu, nâng cao nhận thức và chuyên đổi tư duy, đổi mạnh mới hình tổ chức và đưa ra các mới hình mới nguồn lực không đổi hoặc ít hơn nhưng kết quả và giá trị cao hơn. Do đó, đầu tư khoa học công nghệ toàn diện, kiên trì, bền bỉ và khéo léo để làm thay đổi cơ bản vị trí và vai trò của ngành.

“Các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới cần chuyển đổi thành nông thôn thông minh, nông nghiệp công nghệ hữu cơ và chất lượng cao, nông dân 4.0, chương trình mỗi làng một sản phẩm OCOP… cần được khai thác tiềm năng tối đa để tạo lực lượng hàng chất lượng cao trên nền công nghệ cao, xuất khẩu quy mô lớn hơn so với hiện tại”- PGS.TS Nguyễn Thường Lạng hiến kế.

Chuyển từ “lượng” sang “chất” đối với an ninh lương thực, theo chuyên gia kinh tế nông nghiệp - TS Đặng Kim Sơn, trong tương lai, các vật liệu may mặc con người cũng không dùng nguyên liệu từ dầu mỏ nữa mà chuyển sang nguyên liệu từ bông, lanh, tơ tằm. Vật liệu xây dựng cũng vậy, sẽ chuyển từ các vật liệu hóa chất sang gỗ ép, tre ép. Thuốc men cũng như vậy...

“Vật liệu xây dựng, các vật dụng trong gia đình, ngay cả đến xe cộ, các phương tiện vận chuyển trở nên thân thiện với con người. Môi trường cảnh quan cũng như thế. Khi đó, từ mặt biển, rừng, cho đến đồng ruộng đều biến thành môi trường để sản xuất vật nuôi, cây trồng và sau đó các sản phẩm này sẽ được đưa vào công nghiệp để tách ra thành các phân tử dạng nano, dạng tế bào để từ đó hình thành các vật liệu mới, xây dựng thành các vật chất mới và đưa ra các sản phẩm mới” - TS Nguyễn Kim Sơn dự báo.

Đồng thời, TS Sơn nhấn mạnh: Trong tương lai, những vùng giàu có nhất là những vùng có tài nguyên sinh học để phát triển. Như vậy, điều kiện sản xuất của Việt Nam sẽ thay đổi căn bản. Công ăn việc làm sẽ mở ra không phải chỉ trong ngành nông nghiệp, tức là không chỉ gieo trồng, chăn nuôi mà còn sang ngành chế biến, logistics, dịch vụ, buôn bán, sản xuất các thiết bị, vật tư máy móc đầu vào cho nền kinh tế nông nghiệp, cho nền kinh tế sinh học. Như vậy, kết cấu kinh tế, lợi thế về nông nghiệp sẽ lan tỏa sang các ngành khác.

"Tức là chúng ta có thể công nghiệp hóa lấy trụ cột là nông nghiệp. Về lâu dài công nghiệp hóa lấy trụ cột là sinh học - một nền kinh tế xanh" - TS Nguyễn Kim Sơn nói.

"Ngành nông nghiệp hiện đóng góp 15% GDP và thu hút 38% lực lượng lao động của cả nước. Chính vì thế, ngành nông nghiệp còn là nơi cưu mang lao động công nghiệp và thành thị vào những giai đoạn suy giảm kinh tế, giãn việc làm đô thị, giảm việc làm công nghiệp. Lao động nông nghiệp là lao động tất yếu cần thiết, là điều kiện để có lao động thặng dư".

(PGS.TS Nguyễn Thường Lạng)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn