MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Kim Dung nhấn mạnh về trách nhiệm công việc chăm sóc không lương. Ảnh: Vũ Long

Việt Nam giải quyết vấn đề thu nhập cho "công việc chăm sóc không lương"

Vũ Long LDO | 12/07/2022 15:51

Hầu hết công việc chăm sóc không được trả lương tập trung vào phụ nữ. Điều này gây thiệt thòi cho chị em, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Xóa bất bình đẳng trong công việc chăm sóc không được trả lương

Theo tài liệu nghiên cứu tổng quan, ở Việt Nam, gánh nặng công việc chăm sóc không lương nặng nề và bất bình đẳng đối với phụ nữ đã cản trở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động có được việc làm được trả lương và việc làm bền vững. Khi dân số Việt Nam già hóa, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi không được trả công tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ.

Trong khi đó, tình trạng già hóa dân số đòi hỏi phải tăng cường sự tham gia thị trường lao động của lao động nữ, gồm cả tăng số giờ làm việc và năng suất, để Việt Nam có thể tăng đáng kể GDP bình quân đầu người và đạt được tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và thu nhập cao vào năm 2045.

Ngày 12.7.2022, chia sẻ tại hội thảo “Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp” do Trung tâm Phân tích và Dự báo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức, bà Lê Kim Dung - Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam - nhấn mạnh: Bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả lương là một trong những yếu tố gây ra khoảng cách giới trong kết quả lao động, ví dụ  như tham gia lực lượng lao động, tiền lương và chất lượng công việc.

Nhằm giải quyết vấn đề gánh nặng chăm sóc không lương, CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các nghiên cứu để tìm hiểu bằng chứng và thiết kế các can thiệp nhằm giúp cộng đồng và các bên liên quan nhìn nhận đúng thực trạng việc phân bổ công việc chăm sóc không lương, từ đó tìm ra giải pháp cho việc thay đổi khuôn mẫu xã hội, tăng vai trò của nam giới, cải thiện sự sẵn có và tiếp cận được của các dịch vụ chăm sóc.

Giải quyết vấn đề thu nhập cho công việc chăm sóc không lương

Bày tỏ quan điểm ủng hộ giải quyết vấn đề gánh nặng công việc chăm sóc không lương của CARE Quốc tế tại Việt Nam, bà Tôn Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - khẳng định: Công việc chăm sóc không lương gần như mặc nhiên được nhiều người Việt Nam coi đó là công việc của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ miền núi.

“Cần quan tâm đến tất cả đối tượng làm công việc chăm sóc không lương trong giai đoạn hiện nay, bởi giai đoạn hiện nay xã hội còn coi đó là công việc đương nhiên của phụ nữ - của những người mẹ, người vợ. Chúng tôi rất ủng hộ và sẽ đưa vấn đề này vào công việc hoạt động của Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, nhằm mục đích tăng cường khả năng kinh tế cho phụ nữ, để phụ nữ ở nhà cũng có lương, có thu nhập” – bà Tôn Ngọc Hạnh  nhấn mạnh.

Bà Lê Kim Dung cũng cho rằng, để đảm bảo tính nhất quán và so sánh giữa các quốc gia, Việt Nam cần có một sự thống nhất về khái niệm công việc chăm sóc không lương, khái niệm này nên được đồng nhất với khái niệm đang được sử dụng toàn cầu. Bên cạnh đó, những khảo sát ở cấp quốc gia về vấn đề này cũng cần sử dụng phương pháp nhật ký thời gian để đo lường thời gian dành cho công việc chăm sóc không lương một cách chính xác nhất, hỗ trợ cho quá trình theo dõi và giám sát mục tiêu phát triển bền vững...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn