MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bài viết về quan hệ Việt - Mỹ trên trang The Heritage Foundation. Ảnh chụp màn hình

Việt Nam giữ đà tăng trưởng liên tục

Khánh Minh LDO | 15/06/2021 13:10
Những bài viết về chủ đề kinh tế trên báo chí nước ngoài trong tuần qua phản ánh đà tăng trưởng liên tục của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Kinh tế năng động

Flight Global đưa tin, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, hãng hàng không Bamboo Airways sẵn sàng bắt đầu các chuyến bay thuê trực tiếp đến bờ biển phía Tây của Mỹ. Tờ Nikkei Asia Review thông báo về thực tế gia tăng mua sắm trực tuyến ở các vùng nông thôn Việt Nam. Forbes dành hẳn một bài viết dài cho chủ đề tái chế rác thải nhựa, ngành sản xuất mà hiện nay Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu trên thế giới.

Tờ báo pháp luật Global Legal Post cho biết, công ty luật quốc tế Duane Morris lần đầu tiên bổ nhiệm một phụ nữ đứng đầu chi nhánh của công ty tại Việt Nam. Yahoo Finance báo tin có gần 600 hồ sơ từ hơn 60 quốc gia khắp thế giới đã được gửi đến để dự tuyển xét tặng giải thưởng khoa học và công nghệ toàn cầu lần đầu tiên của Việt Nam là VinFuture.

Trang Offshore Wind đưa tin, theo Lộ trình Gió Ngoài khơi cho Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, gió ngoài khơi có tiềm năng cung cấp 12% điện năng của Việt Nam vào năm 2035. Thay thế nhiệt điện than bằng gió ngoài khơi có thể giúp tránh phát thải hơn 200 triệu tấn CO2 và bổ sung ít nhất 50 tỉ USD cho nền kinh tế Việt Nam nhờ kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng địa phương mạnh mẽ, tạo ra hàng nghìn việc làm có tay nghề cao và xuất khẩu đến các thị trường gió ngoài khơi khác trên toàn cầu. “Nền kinh tế Việt Nam và lượng khí thải carbon sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự phát triển của ngành gió ngoài khơi. Kinh nghiệm của chúng tôi trong các thị trường gió ngoài khơi phát triển là các mục tiêu dài hạn, đầy tham vọng đóng vai trò nền tảng để giảm chi phí và phát triển ngành"- ông Neil Douglas, Giám đốc BVG Associates cho biết.

Quan hệ kinh tế tích cực giữa Việt Nam và Mỹ

Trang Daily Signal và The Heritage Foundation có bài viết về mối quan hệ kinh tế tích cực giữa Việt Nam và Mỹ. Cây viết Anthony B.Kim và Gavin Zhao nhấn mạnh, đã gần nửa thế kỷ kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt về thương mại và đầu tư, đã được cải thiện đều đặn kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.

Theo báo cáo năm 2021 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, thương mại song phương giữa hai nước đạt 90 tỉ USD vào năm 2020, tăng 17% so với năm trước.

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. Các tác giả nhận định, mối quan hệ đối tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ được xây dựng dựa trên sự hiểu biết về các nguyên tắc tự do kinh tế. Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng ổn định cả về sản lượng kinh tế và sự tự do trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống kinh tế thị trường tự do hơn. Bất chấp những dự báo về suy thoái kinh tế do hậu quả của đại dịch COVID-19, Việt Nam thực sự là nền kinh tế Châu Á có hiệu suất cao nhất trong năm 2020, tăng trưởng 2,9%.

Phần lớn sự tăng trưởng này là do ngành sản xuất đang bùng nổ của Việt Nam và nhu cầu quốc tế cao đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã và đang tiếp tục mở cửa nền kinh tế với thương mại quốc tế và tham gia các hiệp định song phương và đa phương với phần còn lại của thế giới.

Năm 2019, Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời ký Hiệp định Thương mại song phương với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Năm 2020, Việt Nam trở thành thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một Hiệp định Thương mại lớn giữa 10 quốc gia ASEAN, cùng với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - chiếm hơn 1/4 GDP thế giới và một nửa dân số thế giới.

Việt Nam gần đây đã được chú ý và ghi nhận nhờ những cải thiện ổn định về xếp hạng trong Chỉ số Tự do Kinh tế do Quỹ Di sản của Mỹ (The Heritage Foundation) công bố. Trong chỉ số năm 2021, Việt Nam đã tăng 15 bậc để trở thành nền kinh tế tự do thứ 90 trên thế giới trong số 178 nền kinh tế được xếp hạng và đứng thứ 17 ở Châu Á - Thái Bình Dương. Những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được tự do hóa kinh tế chắc chắn là đáng khen ngợi, đặc biệt là với quỹ đạo hiện tại của các quốc gia có vị trí tương tự trong khu vực.

Các tác giả lưu ý, những cải cách đang diễn ra của Việt Nam trong các trụ cột chính của tự do kinh tế đã dẫn đến những tiến bộ có thể đo lường được trong việc đảm bảo quyền sở hữu tư nhân và độ mở của thị trường. Trong 27 năm công bố chỉ số, Việt Nam đã chứng kiến ​​sự cải thiện đáng kể về điểm số so với các quốc gia khác, đặc biệt là trong các hạng mục đầu tư và tự do tài chính.

Các tác giả nhấn mạnh, khi Việt Nam tiếp tục áp dụng các nguyên tắc thị trường tự do hơn, Việt Nam cần được coi là một đối tác kinh tế chiến lược ngày càng quan trọng của Mỹ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn