MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử của Tập đoàn Meiko Nhật Bản tại tỉnh Hoà Bình với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Ảnh: Minh Nguyễn

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hàng đầu với nhà đầu tư Nhật Bản

Anh Kiệt LDO | 27/11/2023 06:16

Trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng nhiều diễn biến phức tạp, Nhật Bản và Việt Nam không ngừng củng cố mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.

Tận dụng tốt lợi thế cạnh tranh để thu hút FDI từ Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những đối tác, nhà đầu tư chiến lược tại tỉnh Quảng Ninh. Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hàng loạt dự án FDI Nhật Bản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, gồm Dự án Nhà máy sản xuất cơ khí chính xác Castem Việt Nam, Dự án Parts Seiko Việt Nam, Dự án Nhà máy Tamagawa Việt Nam, Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp Fujix Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của những dự án này đạt trên 80 triệu USD.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản. Tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án đạt xấp xỉ 2,4 tỉ USD chiếm 20,52% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2 dự án ODA đang triển khai thực hiện, trong đó có Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản với tổng mức đầu tư 3.293 tỉ đồng.

Trao đổi với Lao Động, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - cho biết, Việt Nam xếp thứ 2 trong số các thị trường năng động và hấp dẫn mà doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn, chỉ đứng sau Mỹ. Điều này cho thấy tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản, từ đó tạo ra điểm sáng tích cực hơn nữa trong phát triển nền kinh tế của cả hai nước.

"Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng mà những doanh nghiệp Nhật lựa chọn để dịch chuyển dây chuyền sản xuất. Việt Nam đang tận dụng tốt những thế mạnh về lực lượng lao động giá rẻ, giá thuê đất ưu đãi...

Tuy nhiên, những mức giá này có xu hướng tăng cao trong những năm vừa qua nên các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm giải pháp thay thế là nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đem đến cho khách hàng thêm nhiều giá trị gia tăng. Do đó để bắt kịp xu hướng này, doanh nghiệp Việt Nam cần tự động hoá nhiều hơn để đổi mới sáng tạo, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao" - ông Takeo Nakajima chia sẻ.

Tăng cường hợp tác đổi mới sáng tạo

Năm 2023 là năm đánh dấu một sự kiện đặc biệt Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, Nhật Bản và Việt Nam vẫn duy trì tư cách là đối tác chiến lược quan trọng và không ngừng củng cố mối quan hệ đối tác tốt đẹp này trên nhiều lĩnh vực. Nhật Bản đứng thứ 3 trong số các nền kinh tế, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi nhấn mạnh những chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động, đầu tư tại Việt Nam.

Hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau là minh chứng rõ nét nhất.

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, để tối đa hóa được những cơ hội, đưa ra hướng giải quyết phù hợp trước những khó khăn thì đổi mới sáng tạo là một yêu cầu cấp thiết và việc áp dụng đổi mới sáng tạo sâu rộng hơn nữa có thể giúp Việt Nam và Nhật Bản vượt lên các thách thức để tiếp tục phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn