MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn đàn cấp cao thường niên về "Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người". Ảnh: Vũ Long

Việt Nam là quốc gia tiêu biểu phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người

Vũ Long LDO | 07/11/2023 18:05

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Ngày 7.11, phát biểu tại “Diễn đàn cấp cao thường niên về Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người" (MSK), giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến khẳng định:

Khi đại dịch COVID-19 còn chưa hoàn toàn qua đi, ngày càng nhiều ý kiến lo ngại các đợt bùng phát dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều hơn, khi virus có thể lây từ động vật sang người, sẽ dẫn tới một đại dịch khác.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn dịch bệnh lây từ động vật sang người. Ảnh: Vũ Long

Những bệnh dịch lây từ động vật sang người đã xuất hiện từ một thế kỷ trước nhưng vài thập kỷ gần đây bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có những minh chứng khoa học cho thấy, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, mà chủ yếu từ động vật hoang dã. Điều này là do tình trạng chặt phá rừng, chăn thả gia súc số lượng ngày càng lớn, biến đổi khí hậu và nhiều hoạt động xâm lấn khác của con người đối với môi trường tự nhiên.

Có thể kể đến những dịch bệnh khác từng xảy ra do virus lây từ động vật sang người như AIDS, Ebola, SARS, cúm gia cầm… Khi có đại dịch xảy ra ở bất kỳ đâu, việc huy động phối hợp đa ngành, hợp tác đa phương là kim chỉ nam cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, One Health (MSK), là phương pháp tiếp cận tối ưu để đảm bảo an toàn cho hành tinh và sức khỏe cho cộng đồng.

"Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia tiêu biểu trong công tác MSK, thực hiện những cam kết trong Chương trình An ninh y tế toàn cầu; khẳng định sự quan tâm và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.

Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch cúm gia cầm. Ảnh: Kim Anh

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, 1 điểm chung là hầu hết các quốc gia đều áp dụng phương pháp tiếp cận toàn xã hội để kiểm soát dịch bởi vì dịch ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội cũng như cuộc sống người dân, nên một mình ngành y tế không thể kiểm soát được dịch.

"Đây chính là phương pháp tiếp cận MSK mà Việt Nam đã áp dụng thành công để kiểm soát dịch cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1), SARS, đại dịch cúm H1N1 trong những năm đầu thế kỷ 21", Thứ trưởng Tuyên nói.

Việt Nam cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế trong khuôn khổ chương trình an ninh y tế toàn cầu; cam kết trong các hoạt động và lĩnh vực của khung đối tác MSK về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người...

Năm 2024 sẽ là năm nhiều chương trình, hoạt động MSK đa ngành được triển khai như: Dự án Transform (thông qua Cargil); sáng kiến Nature4health (thông qua IUCN); Sáng kiến Prezode (thông qua CIRAD), Chương trình VOHICCE - Triển khai MSK Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường (thông qua UNDP)… nhằm triển khai các nhiệm vụ và lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch MSK đa ngành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn