MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 6.11.

Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện vào năm 2020

Đặng Chung - Cao Nguyên LDO | 06/11/2019 19:43
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương  Trần Tuấn Anh đã dành thời gian nói về nguy cơ thiếu điện cao xảy ra ở Việt Nam.
 

Ngày 6.11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trong phiên chất vấn của Quốc hội. 77 đại biểu đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, chủ yếu về các vấn đề liên quan đến điện năng, giải pháp phát triển điện mặt trời.

Nguy cơ thiếu điện

Trong phần chất vấn của mình, Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) lo lắng trước nguy cơ thiếu điện hiện hữu nên đề nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cho biết giải pháp để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019- 2020 và kéo dài tới 2022-2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.

Nói về nguyên nhân gây thiếu điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước, khiến Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.

Bộ trưởng Công Thương cho biết sẽ huy động tối đa các nguồn công suất phát như điện than, thuỷ điện, điện khí, điện mặt trời. Bộ cũng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đàm phán mua khí từ Malaysia, Thái Lan đảm bảo cung ứng điện cho các địa phương ở Việt Nam.

Về dài hạn sẽ phát triển bền vững lĩnh vực năng lượng, trong đó tính tới phát triển các trung tâm điện lực khí lớn như Long Sơn, Cà Ná và Bạc Liêu để đáp ứng đủ nguồn điện phục vụ nhu cầu của người dân...

Nhận trách nhiệm vì vỡ quy hoạch điện mặt trời

Trong phần chất vấn về quy hoạch điện mặt trời, Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) nêu câu hỏi: "Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ và công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu?".

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai). 

Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Ngoài ra, người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực. Kết quả là, các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất.

"Ở diễn đàn Quốc hội này, tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng, đảm bảo giải toả công suất" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện có một vấn đề vướng mắc, liên quan đến quy định của pháp luật, nhà nước độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện để đảm bảo cho việc nguồn lực của xã hội sẽ được đầu tư vào hệ thống truyền tải điện.

Với nguồn lực rất hạn chế của ngân sách nhà nước và cũng như nguồn lực của Tập đoàn Điện lực quốc gia EVN, việc đầu tư, nâng cấp, cải thiện và hoàn thiện hệ thống truyền tải điện còn chậm.

Bộ trưởng Công Thương hy vọng, trong đầu năm 2020, với những nỗ lực chung, trong việc nâng cấp các trạm biến áp, cũng như có những giải pháp về mặt công nghệ, kể cả giao cho tư nhân đầu tư đường dây 500KV thì sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng, giải tỏa hết công suất của các nhà máy điện, nhất là điện mặt trời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn