MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh Hội thảo Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh. Ảnh: Hải Nguyễn

Việt Nam sẵn sàng tham gia sân chơi chung của thế giới

D.T LDO | 02/10/2019 17:53

Chiều 2.10, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Chủ trương và Chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, với nhiều hoạt động hội thảo chuyên đề.

Diễn đàn diễn ra trong các ngày 2 - 3.10 tại Hà Nội. Trong ngày 2.10, các hội thảo chuyên đề tập trung xoay quanh một số vấn đề về chuyển đổi số ở các lĩnh vực như Ngân hàng thông minh với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng”; Sản xuất thông minh với chủ đề “Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh”…

Ông Triệu Tài Vinh - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn

Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Triệu Tài Vinh nhận định: “Chúng ta đang nỗ lực “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đến nay vẫn đi theo mô hình công nghiệp hóa kiểu cũ với tư duy và thể chế quản lý cũ, do vậy tốc độ phát triển kinh tế chậm, không bền vững, năng lực đổi mới sáng tạo hạn chế.  Nền kinh tế nước ta phát triển chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố vốn, tài nguyên thiên nhiên và lao động trình độ thấp, dẫn đến chất lượng tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện, nhất là về thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và đổi mới công nghệ". 

Theo ông Vinh, việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng được chiến lược phát triển rút ngắn phù hợp. Song, đây vẫn đang là một thách thức lớn do kinh tế thế giới đang chuyển đổi rất nhanh sang mô hình phát triển mới, hiện đại, trong khi tư duy cũ vẫn đang chi phối mạnh ở mọi cấp độ quản lý và hệ thống chính trị Việt Nam.

"Nhìn một cách tổng quát, tiến trình phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với cả thời cơ và thách thức giúp cho chúng ta chủ động, sẵn sàng hơn khi hội nhập vào sân chơi chung của thế giới" - ông Triệu Tài Vinh nói. 

Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Cuộc cách mạng này không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà quan trọng hơn là cuộc cách mạng về thể chế, yêu cầu phải đổi mới tư duy quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, quản lý xã hội cho phù hợp. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, linh hoạt, tạo không gian và điều kiện thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết 52-NQ/TW cũng đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp lớn như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính -  ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; văn hóa số; y tế; giáo dục và đào tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn