MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các loại rau ăn lá trồng trong nước rất phong phú, rau nhập khẩu (bắp cải, cải thảo...) không nhiều. Ảnh: Vũ Long

Việt Nam sản xuất 18 triệu tấn rau/năm, cung dư thừa vẫn cần nhập khẩu

Vũ Long LDO | 24/09/2021 16:29

Mỗi năm Việt Nam sản xuất được 18 triệu tấn rau, trong khi nhu cầu tiêu thụ khoảng 14 triệu tấn, tuy nhiên chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu rau, củ.

Bù đắp lượng rau thiếu hụt khi giao mùa

Sáng 24.9, khảo sát tại một số chợ dân sinh trên thị trường Hà Nội cho thấy, rau củ trồng tại Việt Nam chiếm số lượng áp đảo, chủ yếu là các loại rau ăn lá như: Muống, cải, ngót, mồng tơi, dền cùng các loại rau ăn quả như đậu, mướp, bí xanh, bí ngô… Rau, củ nhập khẩu Trung Quốc cũng có, nhưng không đáng kể.

“Đang thời điểm giao mùa, rau mùa đông chưa đến vụ, nên một số loại phải nhập từ Trung Quốc, chủ yếu là củ cải trắng, bắp cải, súp lơ xanh, cà rốt” – chị Trần Thu Liên, kinh doanh rau củ tại chợ Đồng Xa, Mai Dịch (Hà Nội), cho biết.

Trao đổi với PV Lao Động trưa 24.9, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), nhấn mạnh: Cần nhìn nhận lại thực tế là hiện tại đang là giao mùa hè thu nên rau ôn đới của Việt Nam không có thế mạnh, nếu có thì cũng chỉ trồng được ở vùng Đà Lạt. Hơn nữa, vào mùa hè, nhu cầu rau bắp cải, củ cải trắng, súp lơ xanh, cà rốt, kể cả hành tây vẫn cao nhưng Việt Nam không trồng được (năng suất thấp, mẫu mã xấu, chất lượng không cao) nên hầu như đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Đây là những mặt hàng rau, củ vùng Côn Minh (Trung Quốc) có khí hậu phù hợp để sản xuất. Chất lượng các loại rau này cũng tốt hơn của Việt Nam. Các thương nhân nhập khẩu các loại rau này về Việt Nam là do nhu cầu thực tế, nhằm bù đắp lại được sự thiếu hụt do mùa vụ, bổ sung đa dạng thêm nguồn rau cho thị trường trong vụ hè thu" – ông Lê Thanh Hòa nói.

Nguồn cung rau xanh dồi dào. Ảnh: BT

Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, các loại rau nhập khẩu từ Trung Quốc có chất lượng đảm bảo, được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, hàng hóa đưa lên biên giới ghi rõ các lô, cơ sở sản xuất đều được quy định chặt chẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Trận lụt lịch sử năm 2008, lúc đó phần lớn vùng Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng không sản xuất được, mất 2-3 tháng phải nhập rau củ từ Trung Quốc. Khi đó, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật đều không có, đảm bảo an toàn theo quy định của Việt Nam. Như vậy, việc nhập khẩu rau củ từ Trung Quốc là bù lấp lại sự thiếu hụt do vấn đề thời vụ hay thời tiết không thuận lợi trong năm” – ông Lê Thanh Hòa nói.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, mỗi năm Việt Nam sản xuất được khoảng 18 triệu tấn rau, củ các loại, trong đó nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 14 triệu tấn, còn dư 4 triệu tấn cho xuất khẩu, hoặc trừ vào tổn thất sau thu hoạch và các nhu cầu khác.

“Nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành trồng trọt mở theo thị trường, có xuất khẩu và có nhập khẩu. Nếu chỉ xuất mà không nhập, sẽ không “chơi” được với ai. Bảo hộ sản xuất trong nước là cần thiết và để làm được điều này phải lập hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch, đồng thời đa dạng hoá, ổn định nguồn cung trong nước”- ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Chất lượng rau củ của Việt Nam đã cải thiện vượt bậc

Rau vụ thu đông bắt đầu cho thu hoạch. Ảnh: BT

Theo Bộ NNPTNT, rau củ của Việt Nam đã qua thời kỳ bị phun thuốc "vô tội vạ", một phần vì ý thức người trồng cao hơn, nhưng chủ yếu khách hàng bây giờ khắt khe hơn, rau không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ không bán được tại các siêu thị lớn, chỉ có thể tiêu thụ "cò con" tại các chợ nhỏ.

Ông Lê Thanh Hòa cho biết, nếu không có chứng nhận về an toàn thực phẩm thì rau củ không được vào siêu thị Việt Nam. Trước khi nhập rau vào, các siêu thị cũng kiểm tra an toàn thực phẩm theo đúng quy định về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng, ô nhiễm vi sinh vật… nếu siêu thị kiểm tra mà sản phẩm không đáp ứng được thì không cho nhập vào.

“Nếu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, đảm bảo an toàn thực phẩm thì cũng không nhập. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nếu như các tổ hợp, hợp tác xã không làm theo hướng cam kết an toàn thực phẩm, thì rất khó bán, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, các chợ đầu mối, các chợ nhỏ lẻ bị thu hẹp, việc tiêu thụ nông sản rất khó”- ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn