MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu Công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng. Ảnh: Mai Dung

Việt Nam tận dụng tốt các lợi thế để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

Đức Mạnh LDO | 29/11/2023 08:24

Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản là đối tác đầu tư lớn tại Việt Nam, hiện diện ở 57/63 tỉnh thành trên cả nước. Để tận dụng và tiếp tục thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh và đón đầu xu hướng chuyển dịch.

Đối tác đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 11 tháng năm 2023, Nhật Bản là đối tác đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam với 3,1 tỉ USD. Dòng vốn FDI từ quốc gia này đã hiện diện tại 57/63 tỉnh thành. Những địa phương đang đứng đầu gồm: Thanh Hoá, Hà Nội, Bình Dương...

Đánh giá về lợi thế của Việt Nam, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - cho biết, Việt Nam đang tận dụng tốt lực lượng lao động giá rẻ, giá thuê đất ưu đãi... Tuy nhiên, những khoản này đang có xu hướng tăng lên trong nhiều năm qua nên các công ty từ Nhật Bản đang tìm kiếm các giải pháp thay thế.

"Nhật Bản sẽ tập trung vào phân khúc sản phẩm chất lượng cao. Dần dần tôi tin rằng, những sản phẩm của Việt Nam sẽ tiệm cận và cải tiến để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Chúng tôi có lịch sử lâu đời và tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất nhưng trong thời gian qua đã dần chuyển hướng sang các lĩnh vực khác như công nghệ, điện, dịch vụ...

Các công ty lớn đang hướng tới cung cấp dịch vụ và đem lại thêm các giá trị gia tăng cho khách hàng từ sản phẩm lõi. Xu hướng này sẽ sớm lan sang Việt Nam khi có nhiều công ty Nhật Bản đang đầu tư ở đây" - ông Takeo Nakajima nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa phía Nhật Bản. Đồng thời đề nghị Nhật Bản tiếp tục nghiên cứu hợp tác đầu tư và Việt Nam, tập trung vào những ngành trọng tâm như chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy thông minh, chuyển đổi số, cùng với đó là đầu tư cho trung tâm tài chính quốc tế".

Cải thiện môi trường để hấp dẫn doanh nghiệp lớn

Mặc dù đã có những dự án quy mô trên 1 tỉ USD nhưng đa số các dự án FDI Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam vẫn là dự án vừa và nhỏ. Quy mô dự án bình quân không cao hơn nhiều so với mức chung của cả nước.

Do đó, TS Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên - cho rằng, lý do là chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản lớn ở Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Khi các doanh nghiệp lớn vào mà không đủ nguồn cung cấp nguyên phụ liệu sẽ không tạo điều kiện cho họ sản xuất và lợi thế đầu tư vào Việt Nam sẽ bị mất dần đi.

"Cần khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nhằm cung cấp những nguyên phụ liệu cần thiết cho các tập đoàn quy mô lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản sẽ đi theo và làm vệ tinh cho doanh nghiệp lớn, tạo thành chuỗi cung cấp để tăng tỉ lệ nội địa hóa cho các doanh nghiệp này" - ông Hưởng đề xuất.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam. Xây dựng chiến lược phù hợp nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và tăng cường công tác xúc tiến FDI từ Nhật Bản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn