MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn hợp pháp đang chiếm phần chính và tiếp tục tăng. Ảnh: Long Dương

Việt Nam tăng nguồn gỗ hợp pháp để xuất khẩu an toàn, bền vững

Vũ Long LDO | 23/01/2022 07:36

Việt Nam quyết tâm thực hiện các cam kết sử dụng gỗ hợp pháp theo các Hiệp định đã ký với châu Âu và Mỹ.

Nhập khẩu gỗ hợp pháp vào Việt Nam tăng mạnh

Theo TS. Tô Xuân Phúc – chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, hiện nay ngoài nguồn gốc gỗ rừng trồng trong nước, Việt Nam đang phải nhập khẩu gỗ nhiệt đới từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung chính ở Châu Phi, Lào, Campuchia, Papua New Guine (PNG).

"Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gỗ từ 20-22 quốc gia ở Châu Phi, nếu áp dụng các tiêu chí tại Nghị định 102/NĐ-CP quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (thực thi từ 30.10.2020) thì hầu hết các quốc gia ở khu vực đều rơi vào trạng thái vùng địa lý hoặc quốc gia có rủi ro cao. Bên cạnh đó, xét về loài rủi ro, sẽ có 7/100 loài gỗ tròn rơi vào danh sách, gỗ xẻ có 12/83 loài rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam"-TS Tô Xuân Phúc cho hay.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đánh giá: Sau hơn 1 năm thực thi Nghị định 102/NĐ-CP, quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam đóng góp rất quan trọng thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với Châu Âu (EU) trong việc kiểm soát gỗ hợp pháp trong tất cả loại gỗ, bao gồm cả gỗ nhập khẩu. Kể từ khi nghị định này đi vào thực thi đã có tác động tới toàn bộ ngành gỗ.

Đến nay, gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn hợp pháp chiếm phần chính và đang tiếp tục tăng, trong khi gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro chiếm phần nhỏ và đang có xu hướng giảm là tín hiệu cho thấy các nỗ lực của Việt Nam đang đạt được kết quả tích cực. 

Viforest cũng nhấn mạnh quyết tâm của Việt Nam trong việc nỗ lực trong giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết sử dụng gỗ hợp pháp theo như tinh thần của Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) mà Việt Nam ký với EU năm 2018 và Hiệp định về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp mà Việt Nam ký với Mỹ vào tháng 10.2021.

Với gỗ nhập từ Lào, có 5/14 loài gỗ tròn và 25/64 loài gỗ xẻ nằm trong danh sách loài rủi ro.

Đối với nguồn gỗ nhập từ Campuchia, có 7/15 loài gỗ tròn và 14/32 loài trong danh sach loài rủi ro.

Thị trường PNG cũng rơi vào danh sách vùng địa lý rủi ro, loài rủi ro có 7/13 loài gỗ xẻ và 1/78 loài gỗ tròn trong danh sách loài rủi ro.

Chính vì vậy, TS Tô Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong tương lai, Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp nên khuyến khích thay thế sử dụng gỗ nhiệt đới nhập khẩu bằng gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm gỗ rừng trồng và sử dụng gỗ từ nguồn rủi ro thấp.

Tăng nguồn cung gỗ hợp pháp từ EU

Theo thống kê, nhập khẩu gỗ tròn từ EU trong 11 tháng năm 2021 đạt 437,55 nghìn mét khối, với trị giá 103,24 triệu USD, tăng 2% về lượng và tăng 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu gỗ từ EU sau đó sản xuất sản phẩm để xuất khẩu đi chính thị trường này sẽ tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ, từ đó tăng được cơ hội xuất khẩu sản phẩm gỗ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Viforest cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ EU, nhất là khi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thực thi, các doanh nghiệp chế biến gỗ có thể tăng cơ hội nhập khẩu nguyên liệu gỗ khi được miễn thuế. 

Được biết, trong thời gian qua, gỗ nhập khẩu từ châu Âu về Việt Nam tăng khá mạnh. Ước tính, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU về Việt Nam trong tháng 12.2021 đạt 50 nghìn mét khối, tăng 42,4% so với tháng 11.2021; nâng tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường EU trong năm 2021 đạt 814,17 nghìn mét khối, tăng 5,4% so với năm 2020.

Dự báo, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU về Việt Nam trong năm 2022 tiếp tục tăng.

Trong năm 2022, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2022 đạt trên 16,5 tỉ USD, tăng 6% so với 2021. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 15,3 tỉ USD, tăng gần 6%; lâm sản ngoài gỗ là 1,2 tỉ USD, tăng gần 8%.  

Về thị trường, Tổng cục Lâm nghiệp kỳ vọng xuất khẩu sang Mỹ sẽ đạt 9,7 tỉ USD, tăng 7%; Nhật bản 1,5 tỉ USD, tăng 2%; Trung Quốc 1,6 tỉ USD, tăng 7,4%; các thị trường còn lại đạt 3,7 tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn