MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ ký kết hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ôtô. Ảnh: Vũ Long

Việt Nam và Ấn Độ hợp tác phát triển công nghiệp ôtô

Vũ Long LDO | 23/08/2022 11:14

Sự tham gia của các doanh nghiệp công nghiệp ôtô Ấn Độ được kỳ vọng góp phần phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ ký chương trình hợp tác phát triển ngành công nghiệp ôtô

Trong khuôn khổ chương trình gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ôtô dưới sự phối hợp tổ chức của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư Invest Global tổ chức, Hiệp hội các nhà sản xuất linh kiện ôtô Ấn Độ (ACMA) và Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam (VAFIE) đã ký kết chương trình hợp tác hai bên. 

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp để hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên là các doanh nghiệp của ACMA tham gia phát triển hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ sản xuất phụ tùng ôtô tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu lắp ráp ôtô tại Việt Nam và xuất khẩu.

Theo ông Yuvraj Kapuria – Chủ tịch ACMA, ACMA là cơ quan khối chóp đại diện cho sự quan tâm của ngành công nghiệp linh kiện ôtô Ấn Độ; thành viên của hơn 850 nhà sản xuất đóng góp vào hơn 85% doanh thu của ngành công nghiệp linh kiện ôtô trong lĩnh vực có tổ chức.

Về phía Việt Nam, VAFIE, là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh và đại diện các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế của Việt Nam có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài.

Sự hợp tác này kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng ngành công nghiệp ôtô, đặc biệt trong bối cảnh ngành công nghiệp ôtô đang còn nhiều "điểm xám": Phụ tùng linh kiện ôtô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng có công nghệ giản đơn như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe…;  trong khi đó phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp phụ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị cao là các bộ phận, linh kiện quan trọng (hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái…).

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những năm gần đây, thị trường ôtô của Việt Nam, đặc biệt là phân khúc ôtô du lịch đang có sự tăng trưởng mạnh, khi GDP đầu người tăng nhanh và nhu cầu sở hữu xe ôtô ngày càng lớn.

Đặc biệt, bối cảnh thế giới và khu vực đang ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành sản xuất sử dụng chip bán dẫn nhập khẩu, đặc biệt ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ôtô. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam rất mong muốn có thêm những đối tác, nhà sản xuất linh kiện lắp ráp tại Việt Nam.

Để khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ, Chính phủ Việt Nam và các địa phương đã có sự hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cơ hội mở các "nút thắt" cho ngành công nghiệp ôtô

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá, ngành công nghiệp ôtô đóng vai trò quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống bằng việc tạo việc làm và tạo ra chuỗi giá trị từ ngành công nghiệp hỗ trợ. Thị trường Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh trong tương lai khi thu nhập bình quân đạt mức cơ giới hóa (tương đương 3.000USD/người) và quy mô dân số lớn.

​ Đối với Việt Nam, Ấn Độ luôn là đối tác chiến lược về thương mại và vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác; trong đó lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật phục vụ sản xuất là bộ phận quan trọng trong thương mại song phương, bao gồm lĩnh vực linh phụ kiện ôtô. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang chú trọng đến nền tảng kỹ thuật, sản xuất và đặt mục tiêu tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều chuỗi liên kết, cung ứng bị đứt gãy do dịch COVID-19, cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhu cầu tìm kiếm nhiều đối tác và thị trường mới.

Bên cạnh những tiềm năng, nói về những khó khăn hiện tại của ngành sản xuất ôtô, ông Đặng Hoàng Mai – đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: Việt Nam mới có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia sản xuất phụ tùng ôtô và những linh kiện cho ngành phụ tùng ôtô. Khó khăn lớn nhất hiện nay là quy mô thị trường nhỏ bé, sản lượng thấp dẫn đến chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao.

Bên cạnh đó, do sản lượng còn quá nhỏ khiến các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu các linh kiện CKD (xe lắp ráp trong nước nhưng 100% linh kiện nhập khẩu) để sản xuất ôtô. Điều này dẫn đến chi phí cao trong đóng gói, vận chuyển, thuế, phí phát sinh, dẫn đến chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn khoảng 10-20% so với Thái Lan, Indonesia.

Chính vì vậy, việc Ấn Độ đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết được các vấn đề nêu trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn