MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành logistics Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Tân cảng Sài Gòn

Việt Nam xếp thứ 11 của nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu

Vũ Long LDO | 11/05/2023 15:36

Xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, ngành logistics non trẻ của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.

Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỉ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỉ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.  

Cần mở nhiều "nút thắt" để logistics Việt Nam phát triển hết dư địa

Ông Trần Thanh Hải cũng thẳng thắn nhìn nhận: Ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể.

Các doanh nghiệp đánh giá về thực trạng logistics. Ảnh: Vũ Long

Chiều 11.5, tại buổi họp báo giới thiệu “Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2023- VILOG2023”, ông Hậu Hồng Băng - Phó Chủ tịch kiêm đại diện Phòng Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - chia sẻ: Sau sự ra đời và tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các công ty logistics cần hợp tác với nhau để đối phó với thương mại điện tử. Điều này đã hình thành một mô hình hợp tác kết nối và hỗ trợ lẫn nhau trong logistics.

Ông Hậu Hồng Băng cho rằng, sự phát triển của thương mại điện tử cũng đã nâng cao chất lượng quản lý hiện đại hóa của ngành logistics. Chế độ quản lý và vận hành duy nhất của logistics truyền thống không còn đáp ứng được nhu cầu của thương mại điện tử, do đó, hệ thống quản lý phần mềm và các cơ sở hỗ trợ phần cứng tương ứng của ngành logistics cũng cần được nâng cấp, cải tiến và phát triển.

“Có một vấn đề nữa trong logistics là chuỗi cung ứng lạnh. Các ngành hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong đó thực phẩm chiếm tỉ trọng rất lớn. Đối với việc vận chuyển thực phẩm chắc chắn sẽ khó khăn hơn, nhiều loại thực phẩm cần giữ tươi sống phải vận chuyển qua chuỗi cung ứng lạnh, điều này càng làm thể hiện rõ tầm quan trọng của logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử” - ông Hậu Hồng Băng nói.

Thực tế là hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã thấy rõ các điểm yếu cũng như dư địa phát triển của lĩnh vực logistics và đang đẩy mạnh đầu tư, đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Tổng Giám đốc Ratraco - cho hay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tìm kiếm thêm các đối tác vận tải, kho bãi, đối tác cung ứng trang thiết bị như container lạnh, thiết bị IoT (các thiết bị có khả năng kết nối internet, có thể thu thập và trao đổi dữ liệu cho nhau), phần mềm, công nghệ xử lý làm sạch, khử khuẩn để tiếp tục hoàn thiện giải pháp vận tải container lạnh trên đường sắt cả nội địa và quốc tế cung cấp cho thị trường.

"Vấn đề này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, giải pháp vận tải lạnh cho các chủ hàng không chỉ nội địa mà còn là giải pháp đáng quan tâm cho chủ hàng khi cung ứng, vận chuyển hàng lạnh vào sâu lục địa thị trường Trung quốc" - ông Hùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn