MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vietcombank gần như chắc chắn sẽ nhận chuyển giao một ngân hàng

Lam Duy LDO | 17/05/2023 13:49

Dù Ngân hàng Nhà nước chưa tiết lộ, song theo tìm hiểu của Lao Động, ngân hàng Vietcombank gần như chắc chắn sẽ nhận một ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc.

Báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tháng 4.2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Các ngân hàng này gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc với giá 0 đồng (là Ngân hàng Xây dựng - CBBank, Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Đang có nhiều đồn đoán về việc Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng nào trong số 4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc. Ảnh: Trà My

NHNN đến nay không tiết lộ danh tính về các ngân hàng sẽ nhận chuyển giao 4 ngân hàng nói trên. Khi xây dựng tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, NHNN cũng chỉ cho biết sẽ có 4 ngân hàng cổ phần nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém.

"Trong đó có 2 ngân hàng cổ phần nhận chuyển giao tại phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%" - NHNN cho hay.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của Lao Động, một số ngân hàng lớn ngay từ năm 2022 đã chuẩn bị và xây dựng các phương án, hồ sơ cũng như xin ý kiến các cơ quan nhà nước phê duyệt về phương án chuyển giao bắt buộc.

Như tại Vietcombank, HĐQT ngân hàng này vào cuối tháng 11.2022 ban hành Nghị quyết số 622 phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện gói thầu thuê đơn vị tư vấn rà soát "Phương án cơ cấu lại một ngân hàng thương mại".

Trong một báo cáo về tình hình quản trị ngân hàng trong cả năm 2022 ban hành mới đây, Chủ tịch HĐQT Vietcombank - ông Phạm Quang Dũng cũng cho biết, trong năm, HĐQT được Đại hội đồng cổ đông giao phê duyệt các hồ sơ theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) trình NHNN để trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc TCTD cho Vietcombank.

Đồng thời phê duyệt nội dung của Phương án chuyển giao bắt buộc TCTD và phê duyệt các nội dung điều chỉnh Phương án chuyển giao bắt buộc TCTD theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phù hợp với quy định của pháp luật.

HĐQT Vietcombank cũng được giao thực hiện các thủ tục báo cáo, xin ý kiến phê duyệt Phương án chuyển giao bắt buộc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đáng chú ý, HĐQT Vietcombank được giao thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc TCTD khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cũng như "quyết định tất cả các công việc khác có liên quan đến việc nhận chuyển giao bắt buộc TCTD và triển khai thực hiện Phương án chuyển giao bắt buộc được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".

Thực tế tại Đại hội đồng cổ đông 2023 tổ chức vào cuối tháng 4.2023 vừa qua, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cũng cho biết ngân hàng đã trình và được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông qua chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém. Ngân hàng cũng đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao và trình lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để chờ phê duyệt.

Ông Dũng cũng cho biết ngay sau khi nhận được quyết định phê duyệt, Vietcombank sẽ tổ chức thực hiện và hiện ngân hàng đang rất tích cực chuẩn bị nhận chuyển giao TCTD yếu kém.

Đáng chú ý khi Ngân hàng Xây dựng (CBBank) rơi vào tình trạng thua lỗ, âm vốn và bị mua lại bắt buộc với giá 0 đồng vào năm 2015, Vietcombank cũng chính là ngân hàng được chỉ định tham gia hỗ trợ ngân hàng này tái cơ cấu.

Với các bước chuẩn bị dồn dập của Vietcombank và việc ngân hàng này tham gia hỗ trợ CBBank tái cơ cấu từ năm 2015, thị trường đang có nhiều đồn đoán về việc CBBank sẽ chính là ngân hàng được chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn