MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vinaconex bị nhà thầu phụ khởi kiện trước thềm niêm yết trên HOSE. Ảnh: H. Linh.

Vinaconex tranh chấp pháp lý với Samoo: Khởi kiện ra toà Hà Nội.

Tùng Thư LDO | 24/12/2020 10:02

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) và nhà thầu Samoocm Architect (Samoo) đang có tranh chấp liên quan đến khoản thanh toán trị giá 1,26 triệu USD. Hiện, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đang thụ lý giải quyết.

Theo đó, Vinaconex là Tổng thầu thiết kế và thi công Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh đã ký Hợp đồng Dịch vụ tư vấn Thiết kế với nhà thầu Samoo để thực hiện công việc thiết kế quy hoạch Khu đô thị mới Bắc An Khánh. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh Quy hoạch từ Chủ đầu tư An Khánh JVC nên việc nghiệm thu và thanh toán cho các nhà thầu phụ trong đó có Samoo bị dừng lại nên các bên chưa thống nhất được phương án giải quyết. Samoo đã nộp đơn khởi kiện Vinaconex tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội để yêu cầu Vinaconex thanh toán cho Samoo tổng giá trị yêu cầu thanh toán tạm xác định là 1,26 triệu USD.

Hiện tại, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đang thụ lý giải quyết vụ việc.

Phía Vinaconex cho biết, công việc thiết kế giai đoạn II của dự án theo hợp đồng chính giữa Vinaconex với chủ đầu tư và tương ứng là hợp đồng thầu phụ giữa Vinaconex và Samoo bị tạm dừng từ năm 2012 do ảnh hưởng của thay đổi quy hoạch tại khu vực dự án.

“Samoo yêu cầu Vinaconex phải thanh toán cho khối lượng công việc Samoo đã thực hiện, trong khi thực tế khối lượng này chưa được chủ đầu tư phê duyệt quyết toán và thanh toán cho nhà thầu chính là Vinaconex. Theo thỏa thuận, điều kiện đủ để Samoo được thanh toán gồm: Samoo phải thực hiện hợp đồng được Vinaconex và chủ đầu tư xác nhận; và Vinaconex phải nhận được tiền thanh toán của chủ đầu tư tương ứng với khối lượng công việc mà Samoo đã hoàn thành. Do đó, Vinaconex nhận thấy Samoo chưa đủ điều kiện để được thanh toán”, đại diện Vinaconex nói với Lao Động.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố ngày 29.12 tới sẽ chính thức giao dịch hơn 441,7 triệu cổ phiếu VCG của Vinaconex.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 41.800 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động cộng trừ 20% (tương ứng trong khoảng 33.500 - 50.100 đồng/cổ phiếu). Căn cứ theo mức giá này, vốn hóa Vinaconex khi chào sàn đạt khoảng 18.463 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCG diễn biến khá tích cực trước khi Vinaconex chuyển nhà sang HOSE. Thị giá cổ phiếu VCG liên tục tăng từ tháng 8 đến nay. Phiên giao dịch 23.12, VCG được giao dịch quanh mức 44.000 đồng/cổ phiếu.

Như Lao Động đã thông tin, trước khi chuyển sàn, Vinaconex báo lãi quý III đột biến nhờ doanh thu tài chính.

Theo đó, mặc dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính của Vinaconex trong quý III lao dốc tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 1.270 tỉ đồng nhưng doanh thu tài chính lại tăng hơn 3.000% so với cùng kỳ 2019, đạt 2.185 tỉ đồng.

Kết quả, dù doanh thu thuần giảm sâu nhưng do doanh thu tài chính tăng vọt nên lợi nhuận sau thuế quý III của Vinaconex đạt 1.038 tỉ đồng, tăng 311% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm 39% nhưng Vinaconex vẫn có lãi ròng gấp gần 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 1.399 tỉ đồng.

Bảng cân đối kế toán hợp nhất quý III/2020 của Vinaconex cho thấy dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng hơn 4 lần, từ hơn 350 tỉ đồng đầu năm lên xấp xỉ 1.583 tỉ đồng tại ngày 30.9.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn