MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Smart Invest. Ảnh: NVCC

VinFast - niềm tự hào của doanh nghiệp Việt đem “chuông đi đánh xứ người”

Tuyết Lan (thực hiện) LDO | 18/08/2023 16:46

VinFast vừa rung chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng trên sàn chứng khoán Mỹ. Sự kiện này đã mang đến cho VinFast nhiều cơ hội, tiềm năng để huy động nguồn vốn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn khi VinFast phải "chiến đấu" tại thị trường có “tiêu chuẩn” cao tại Mỹ.

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Smart Invest về VinFast - doanh nghiệp hiện thực hoá giấc mơ chinh phục thị trường quốc tế.

Ông đánh giá thế nào về hành trình VinFast trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết trực tiếp trên sàn quốc tế Nasdaq - sàn giao dịch tập trung cổ phiếu công nghệ hàng đầu của Mỹ và thế giới?

- Sự kiện VinFast được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ) là một tin mừng. Sau phiên giao dịch hôm qua VinFast trở thành công ty sản xuất ôtô lớn thứ 5 thế giới về vốn hóa. Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu của VinFast là huy động vốn từ 1-2 tỉ USD nhưng kế hoạch này không thành công như mong muốn. Để niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ có ba cách: IPO, niêm yết trực tiếp và SPAC. Trong lần đầu thực hiện kế hoạch niêm yết, VinFast lựa chọn IPO và mất rất nhiều thời gian. Ngay từ đầu nếu VinFast sử dụng SPAC sẽ phù hợp và đẩy nhanh tiến độ hơn.

Khi thành công niêm yết tại sàn chứng khoán của Mỹ, ông cho rằng, VinFast sẽ có những thuận lợi gì?

- Đầu tiên, việc VinFast niêm yết sẽ tạo ra sự nhận biết thương hiệu tốt đối với nhà đầu tư. Mặc dù chi phí niêm yết tốn kém nhưng cũng chính là phí truyền thông vô hình đến người dân Mỹ. Nhờ việc đã niêm yết và có nhiều bài báo phân tích tạo ra sự nhận biết thương hiệu của khách hàng. Từ đó họ sẽ tìm hiểu và mua cổ phiếu, sản phẩm của VinFast. Nếu không niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ truyền thông bên ngoài có thể độ nhận diện sẽ thấp hơn.

Ngoài ra, thông qua việc niêm yết VinFast có lợi thế trong việc huy động vốn trong tương lai. Đầu tiên VinFast có thể huy động vốn từ việc bán cổ phần ra thị trường. Dòng tiền và quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ rất lớn. Để huy động 1- 2 tỉ USD ở thị trường Mỹ không phải vấn đề quá khó và chuyển thành tiền chỉ mất thời gian ngắn 3 - 5 ngày. Sàn chứng khoán Mỹ khó niêm yết nhưng khi niêm yết thành công sẽ chuyển sang mô hình đăng ký. Ví dụ nếu có đợt sốt cổ phiếu MEME như năm 2021, VinFast có thể bán ngay cổ phiếu mới, chỉ mất vài ngày để huy động vốn.

Đồng thời, những năm gần đây ở Mỹ có phong trào ESG - đầu tư vào các công ty cam kết có trách nhiệm với xã hội. Ở Mỹ đang có bong bóng huy động vốn vào các quỹ đầu tư cho các công ty này dưới dạng cổ phiếu hoặc trái phiếu. Lĩnh vực xe điện của VinFast rất phù hợp với mô hình ESG. Khi độ nhận diện thương hiệu của VinFast phủ sóng, có thể tiếp cận các quỹ đầu tư này để huy động vốn.

Theo ông, VinFast sẽ phải đối diện với cuộc chiến khốc liệt như thế nào khi niêm yết tại Mỹ?

- Chi phí VinFast phải bỏ ra cho cuộc chơi này rất “khủng”. Niêm yết ở Mỹ nên VinFast sẽ phải trả phí cho các công ty kiểm toán quốc tế. Chi phí này đắt hơn gấp nhiều lần khi thuê kiểm toán ở Việt Nam. Ngoài ra, để hoạt động trên sàn chứng khoán Mỹ cũng phải trả phí. Theo tôi ước tính thời gian qua VinFast đã tốn hàng chục triệu USD.

Ngoài ra, tiêu chuẩn của thị trường chứng khoán Mỹ rất cao. Doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính phải cung cấp thông tin chi tiết để tăng sự minh bạch. Minh bạch vừa là lợi thế để thu hút nhà đầu tư và khách hàng nhưng cũng là bất lợi vì đôi khi doanh nghiệp phải công bố nhiều hơn dự kiến. Vì vậy, sẽ khó xảy ra chuyện doanh nghiệp làm ăn thua lỗ rồi “chế biến” báo cáo tài chính.

Đến với thị trường Mỹ, VinFast sẽ vừa có tiềm năng lớn về nguồn vốn nhưng phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn