MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sông Cổ Chiên (đoạn huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: P.L

Vĩnh Long: Thêm nhiều điểm đến, phục hồi nhanh du lịch

PHONG LINH LDO | 26/04/2022 15:24

Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Long đã xác định nhiều giải pháp giúp “cất cánh” đường bay du lịch.

Kỳ vọng “cất cánh” du lịch

Kể từ khi chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, để nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch sau dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch và lộ trình từng bước mở cửa du lịch quốc tế phù hợp với tình hình của địa phương. Đây là nhu cầu cấp bách, giải pháp nhanh chóng giúp phục hồi và đáp ứng với đại dịch.

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá về du lịch; huy động các nguồn xã hội hóa mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch; tỉnh Vĩnh Long cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, dự án, kế hoạch về du lịch, tạo cơ sở để thúc đẩy du lịch dần phục hồi và phát triển. Năm 2022, để tiếp tục phục hồi, phát triển KT-XH, từng bước đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, Vĩnh Long tổ chức Ngày hội du lịch của tỉnh lần thứ II năm 2022.

Đây là sự kiện tiếp nối thành công của Ngày hội du lịch tỉnh Vĩnh Long lần thứ I vào năm 2018; đồng thời cũng nhằm kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của tỉnh trong năm 2022.

Đây cũng là sự kiện mở đầu cho một năm du lịch đầy kỳ vọng của tỉnh Vĩnh Long với nhiều hoạt động tiêu biểu như: Tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch và Hội thi nghiệp vụ bếp giỏi lần thứ 1 năm 2022; Tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch của từng địa phương; Tổ chức hội nghị về giải pháp phát triển du lịch Vĩnh Long; Tổ chức đoàn Famtrip giới thiệu một số khu, điểm du lịch Vĩnh Long; Trưng bày giới thiệu sách nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ 9 và văn hóa đọc năm 2022.

Thêm nhiều điểm đến hấp dẫn

Được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, Vĩnh Long hiện có 11 di tích cấp quốc gia, 54 di tích cấp tỉnh, trong đó có các di tích lịch sử - văn hóa độc đáo, có tiềm năng thu hút du khách như: Văn Thánh miếu - được mệnh danh là “Quốc Tử Giám của phương Nam”, được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, tồn tại hơn 150 năm; Công Thần miếu - nơi lưu giữ 85 đạo sắc phong của nhà Nguyễn thời Thiệu Trị và Tự Đức; Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Khu lưu niệm Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa;...

Tại Ngày hội du lịch tỉnh Vĩnh Long lần thứ 2 năm 2022, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng tiếp tục xác định một số điểm đến hứa hẹn sẽ ghi dấu ấn đặc sắc với khách tham quan khi đặt chân đến vùng đất nơi đây. Trong đó, 3 địa điểm được đoàn Famtrip tham gia khảo sát, trải nghiệm bao gồm: Khu lăng mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu, khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và làng nghề làm gạch tại huyện Mang Thít, Vĩnh Long. 

Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tọa lạc tại ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm với diện tích rộng tầm 1,7ha là một công trình kiến trúc hiện đại, ghi dấu ấn trong lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa.

Điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử này kết hợp hài hòa tính chất trang trọng, thành kính lại vừa mang tính thân thiện và là nơi sinh hoạt văn hóa, rất phù hợp với ý nguyện của cố Thủ tướng lúc sinh thời.

Điểm nhấn du lịch tại Vĩnh Long là làng gạch gốm Mang Thít - nơi đã được báo chí trong và ngoài khu vực nhắc đến với những tên gọi vừa mang nét cổ kính vừa để lại dấu ấn của một vùng đất giàu tiềm năng như “Vĩnh Long - thủ phủ gạch gốm” hay “Vĩnh Long - Vương quốc đỏ”.

Hiện nay tỉnh cũng đang triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản “vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực để thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Hiện tại, các tỉnh, thành trong Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nói chung và Hiệp hội du lịch các tỉnh trong Cụm phía Đông nói riêng luôn đồng hành, hỗ trợ nhau phát triển du lịch của địa phương. Qua đó, góp phần phục hồi nhanh du lịch tỉnh, của khu vực và cả nước, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; khai thác hợp lý tiềm năng gắn với sự phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn