MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Virus, mã độc đã lấy đi gần 650 triệu USD trong năm 2018.

Virus lấy đi 650 triệu USD, không cảm thấy “mất” nên cứ thờ ơ?

Thế Lâm LDO | 20/12/2018 19:00
Theo báo cáo tổng kết an ninh mạng năm 2018 được Bkav đưa ra, thiệt hại do virus gây ra trong năm nay lên đến 642 triệu USD, qui ra tương đương gần 15.000 tỉ đồng. Một con số thiệt hại rất không nhỏ nhưng dường như ít có cá nhân, đơn vị nào “khai báo mất” vì nguyên nhân này.

Thiệt hại ngày càng tăng mạnh…

Con số thiệt hại 642 triệu USD do virus gây ra năm 2018 tăng mạnh hơn 100 triệu USD so với năm 2017.

Còn nhớ vào ngày 26.12.2017, báo cáo của Bkav cho biết, thiệt hại do virus gây ra trong năm là 540 triệu USD, tương đương hơn 12.000 tỉ đồng. Còn năm 2016, mức thiệt hại là khoảng hơn 10.400 tỉ đồng.

Như vậy có thể thấy, mức thiệt hại do virus gây ra tại Việt Nam ngày càng gia tăng, thậm chí tăng mạnh đều ở mức 2 con số. Thiệt hại năm 2018 so với năm 2017 cũng tăng đến gần 20%.

Nếu so với thiệt hại trên phạm vi toàn cầu ở mức khoảng 600 tỉ USD, Việt Nam chiếm khoảng hơn 0,1%. Trong khi đó, mức thiệt hại do virus đang chiếm khoảng 0,8% GDP toàn cầu. Khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam mỗi năm cũng thiệt hại từ 120-200 tỉ USD, tương đương từ 0,53-0,89% GDP khu vực.

Lừa đảo thông qua comment dạo trên Facebook cũng đang gia tăng.

Trong năm 2018, bên cạnh mức thiệt hại, còn có tới 60% hệ thống mạng cơ quan, doanh nghiệp bị nhiễm mã độc đào tiền ảo. Theo đó, trung bình cứ 10 cơ quan, doanh nghiệp thì có 6 nơi bị mã độc chiếm quyền điều khiển máy tính đào tiền ảo, gây mất an ninh thông tin.

Ngoài ra, khoảng 1,6 triệu máy tính bị virus xóa dữ liệu. Hiện có 2 dòng mã độc phổ biến tại Việt Nam khiến người dùng bị mất dữ liệu là dòng mã độc mã hóa tống tiền ransomware và dòng virus xóa dữ liệu trên USB. Các mã độc mã hóa tống tiền lây chủ yếu qua email.

Thiệt hại vô hình hay hữu hình?

Trong năm 2018, tình trạng tung tin đồn thất thiệt về tấn công mạng như vụ việc của Thế giới di động, FPT Shop để lộ dữ liệu khách hàng, thông tin nhân viên,… rộ lên. Theo Bkav, tình trạng này có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2019 nhằm gây hoang mang và trục lợi.

Ông Vũ Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) – cho biết: “Chúng tôi khảo sát trực tiếp người bị mất dữ liệu do virus và mức thiệt hại do chính họ đưa ra, và họ bày tỏ rằng cảm thấy việc bị virus gây mất dữ liệu là rất nặng nề và nguy hiểm”.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ông Sơn cũng cho rằng: “Những người hay tổ chức chưa bị thiệt hại, mất mát dữ liệu do virus gây ra thì vẫn thấy cảnh báo của chúng tôi chưa liên quan tới họ hay vấn đề thiệt hại do virus còn đang ở đâu đó…”.

Tin đồn về lộ thông tin thẻ ngân hàng của khách hàng Thế Giới Di Động.

Nhân đề cập tới vụ tin đồn về Thế Giới Di Động, dạo đó, giá cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động trên sàn chứng khoán TPHCM có mấy phiên giảm giá mạnh và giá trị vốn hóa doanh nghiệp này bị “thổi bay” đến gần 2.000 tỉ đồng. Những con số thiệt hại này, có thể thấy rõ qua giao dịch trên sàn chứng khoán, chứ bản thân Thế Giới Di Động không công bố. Với các doanh nghiệp chưa lên sàn hay chưa phải là Cty đại chúng, khi họ không công bố thông tin thì cũng đồng nghĩa thiệt hại đó bị chôn giấu.

Theo một chuyên gia bảo mật, trên thực tế những thiệt hại do virus gây ra nhiều khi mãi là “niềm đau chôn giấu” vì doanh nghiệp ngại để vỡ lở sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và công cuộc kinh doanh. Cũng có lí do không công bố vì e bị cho rằng do keo kiệt không chịu đầu tư bảo mật để rồi bị mất nhiều hơn,… Trong đó, có cả những thiệt hại hữu hình và vô hình. Thiệt hại vô hình dù không “nhìn thấy” được và khó cảm nhận hết nhưng các tổ chức tư vấn, đánh giá vẫn có thể có công cụ để đo lường được mức thiệt hại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn