MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chỉ đạt 71,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Diệu Anh

Vốn đầu tư công tại Ninh Bình giải ngân không hết sẽ trả lại cho Trung ương

DIỆU ANH LDO | 25/12/2023 18:40

Ninh Bình - Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tuy nhiên đến nay, việc giải ngân mới chỉ đạt 71,9% kế hoạch được giao.

Theo, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao đối với tỉnh Ninh Bình là 6.450,213 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là 1.426,990 tỉ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương là 5.023,223 tỉ đồng).

Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tỉnh UBND tỉnh Ninh Bình - cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023 tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, được tập trung chỉ đạo thực hiện ngay từ cuối tháng 12 năm 2022 và đầu năm 2023. Qua đó, đã đạt được những kết quả tích cực, mặc dù thu ngân sách gặp khó khăn, nhưng tỉnh Ninh Bình vẫn luôn duy trì tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, đến hết tháng 11 năm 2023.

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và giải ngân toàn bộ nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH ngày 11.1.2022 của Quốc hội.

Tuy nhiên, đến nay, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mới chỉ đạt 71,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 75,2% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Trước đó, vào ngày 1.12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 10093/BKHĐT-TH về việc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Theo đó, số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 của tỉnh Ninh Bình còn khá lớn.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chậm là do công tác triển khai thực hiện từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khâu triển khai thi công của một số công trình, dự án còn kéo dài, chưa đáp ứng được với tiến độ đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác quy hoạch, xây dựng khu tái định cư mất nhiều thời gian dẫn đến bố trí cho người dân vào nơi ở mới chậm.

Một số dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân vốn hoặc giải ngân chậm, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương. Do nguồn thu ngân sách của tỉnh Ninh Bình bị sụt giảm, công tác chuẩn bị của một số dự án chưa tốt, chất lượng chưa cao, chưa lường trước hết các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án, dẫn đến việc sau khi dự án được phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án và tiến hành triển khai các bước tiếp theo gặp nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

Bên cạnh đó, công tác xác định giá bồi thường đối với đất ở tại một số vị trí, khu vực còn gặp khó khăn do giá thực tế chưa có để so sánh, áp dụng. Quy trình thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa mất nhiều thời gian, nhất là đối với diện tích trên 10ha, thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

"Đối với các dự án đầu tư công sử dụng ngân sách địa phương thì HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về cắt giảm vốn đầu tư, riêng đối với các dự án sử dụng ngân sách Trung ương, số vốn đã được giao nhưng chưa giải ngân hết thì tỉnh sẽ trả lại cho Trung ương" - đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn