MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc thu hút dòng vốn ngoại vào Trung du và miền núi phía Bắc xuất hiện 2 chiều hướng, nơi hấp dẫn chỗ vẫn ngóng trông. Ảnh minh họa: Nguyễn Tùng.

Vốn FDI vào Trung du và miền núi phía Bắc, nơi hấp dẫn chỗ vẫn ngóng trông

Tân Văn LDO | 20/02/2024 15:21

Với khoảng 10/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, khả năng thu hút dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn rất ảm đạm.

Tỉ lệ vốn thấp

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2023, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đã thu hút được khoảng 1.240 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 29 tỉ USD.

Với kết quả này, Trung du và miền núi phía Bắc xếp thứ 5/6 vùng kinh tế của cả nước về mức độ hấp dẫn đầu tư nước ngoài và chỉ chiếm 3,4% tổng số dự án; 6,2% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Về mức độ hấp dẫn đầu tư, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đứng trên Tây Nguyên với 170 dự án, có tổng vốn đăng ký 1,87 tỉ USD nhưng xếp sau Đồng bằng sông Cửu Long với 1.982 dự án và 35,8 tỉ USD; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 2.425 dự án với 67,52 tỉ USD.

Tỉnh Bắc Giang, năm 2023 địa phương này thu hút được gần 1 tỉ USD vốn FDI, đứng thứ 4 cả nước về thu hút FDI. Riêng tháng 1.2024, Bắc Giang thu hút được khoảng 200 triệu USD, nằm trong top 3 địa phương hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Việt Nam sau Bà Rịa - Vũng Tàu và thủ đô Hà Nội.

Bắc Giang những năm gần đây đang nổi lên là một điểm sáng về thu hút FDI. Ảnh: Trần Tuấn.

Các địa phương khác như Phú Thọ, Thái Nguyên cũng đang ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ. Đặt trong bối cảnh chính sách chống dịch của nước ta có sự linh hoạt thích nghi với biến động thị trường thì cơ hội hút vốn FDI của những địa phương này đang rất tươi sáng.

Tuy nhiên, nếu tính cả khu Trung du và miền núi phía Bắc, việc thu hút đầu tư nước ngoài đang có sự chênh lệch lớn. Bởi đây là địa bàn khó khăn của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong vùng ít so với mặt bằng chung của cả nước, đa số là doanh nghiệp thuộc dạng nhỏ và siêu nhỏ.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Công Hoà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Bắc Kạn cho hay: "Các địa phương miền núi, đặc biệt là Bắc Kạn rất khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn FDI, từ 2023 cho đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 dự án vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư".

Kỳ vọng sức bật từ lợi thế địa phương

Nói về các nguyên nhân, người đứng đầu Sở KHĐT tỉnh Bắc Kạn nêu ý kiến, trước tiên tại các tỉnh miền núi vị trí địa lý rất xa, hạ tầng giao thông chưa thực sự đồng bộ.

Khi quyết định đầu tư vào một địa phương, nhà đầu tư phải tính toán đến vấn đề lợi nhuận và chi phí kinh doanh, doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư vào những địa bàn có kinh tế phát triển, thuận lợi về giao thông thay vì vùng khó khăn, hạ tầng kém phát triển, giao thông đi lại khó khăn.

Một góc khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ). Ảnh: Tô Công.

Tại các địa phương tỉ lệ hộ nghèo còn nhiều, dân cư thưa thớt kéo theo số lượng lao động cũng như các lao động chất lượng cao hạn chế.

Cùng với đó, địa hình tại các tỉnh chủ yếu là núi cao, việc chuẩn bị những khu mặt bằng rộng cũng khó khăn.

Mặc dù chưa tạo được nhiều ấn tượng với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng một số dự báo cho rằng, cơ hội để các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc thu hút FDI trong năm 2024 và những năm tiếp theo là rất lớn.

Để cải thiện môi trường và thu hút dòng vốn FDI, đại diện Sở KHĐT tỉnh Bắc Kạn đã nêu ra một số giải pháp phù hợp với địa phương.

Trước tiên việc cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới được nhà nước đầu tư sẽ là động lực phát triển và cũng tháo gỡ 1 phần nút thắt hạ tầng giao thông cho địa phương. Bắc Kạn sẽ tận dụng điều này thu hút đầu tư. Mong muốn của địa phương là thu hút được nhiều vốn đầu tư cho du lịch sinh thái, chế biến nông, lâm sản chất lượng cao...

Mặt khác, trong Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ xúc tiến quá trình đầu tư, xây dựng các cụm, khu công nghiệp để từ đó thu hút đầu tư.

"Tại các tỉnh miền núi, các khoản thuế phí thuê đất đang được hưởng một số cơ chế thoáng, Bắc Kạn và các địa phương trong vùng cần biến đây thành lợi thế thu hút FDI" - ông Hoà nói.

Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, thành: Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn