MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Vốn ngoại đang chảy mạnh vào ngành ngân hàng

Minh Ánh LDO | 12/09/2023 13:03

Các ngân hàng đang thu hút một lượng nguồn vốn lớn thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập cho đến các thỏa thuận vay vốn từ nhiều định chế tài chính quốc tế.

Thương vụ mua bán và sáp nhập sôi nổi

Để hoàn tất phát hành hơn 1,19 tỉ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC), mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã phát đi thông báo về việc điều chỉnh tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên 30% vốn điều lệ.

Theo đánh giá, khoản đầu tư của SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỉ đồng vốn cấp 1 (tương đương 1,5 tỉ USD), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỉ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỉ đồng. Đây là thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

Theo báo cáo, trong tháng 4, VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, hơn 3.590 tỉ.

Không chỉ VPBank, giữa tháng 5.2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri (Thái Lan), 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau. Chính Krungsri từng tiết lộ ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỉ baht Thái, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của SHB, ngân hàng này ghi nhận khoản thu đột biến hơn 675 tỉ đồng từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ thu được hơn 2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, SHB đã thực nhận hơn 675 tỉ đồng tiền thu cổ tức và lợi nhuận từ các khoản đầu tư, góp vốn dài hạn.

Ngoài thương vụ chuyển nhượng SHBFinance cho đối tác Krungsri, SHB đang tiếp tục triển khai việc chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thỏa thuận vay vốn từ nhiều định chế tài chính quốc tế

Bên cạnh hoạt động M&A, ngành ngân hàng cũng vừa đón nhận thêm nhiều khoản vay bằng ngoại tệ từ các định chế tài chính nước ngoài.

Vừa qua, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) đã nhận khoản vay 55 triệu USD từ định chế tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức (DEG). Trước đó, ngân hàng này cũng đã nhận khoản vay 100 triệu USD, tương đương gần 2.400 tỉ đồng từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Tháng 6. 2023, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) đã ký nhận khoản vay 100 triệu USD từ IFC nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động cấp tín dụng cho các khách hang cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà ở, và thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng cho các khoản vay mua nhà có giá trị thấp. Tương tự, SHB và IFC cũng ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 120 triệu USD hồi tháng 3.

Mới nhất, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký cam kết cấp khoản vay trị giá 300 triệu USD và 100 triệu USD với kỳ hạn 7 năm cho VPBank và TPBank năm nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đặc biệt là doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.

Qua khảo sát, một loạt các ngân hàng đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ hàng chục cho đến hàng trăm cổ phiếu. Theo đó có nhiều cái tên đáng chú ý như BIDV, Vietcombank, SeABank, LPBank,...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn