MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vốn FDI đang chảy vào Việt Nam cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Ảnh: N.KHÁNG

Vốn ngoại đổ vào Việt Nam tăng kỉ lục, vẫn còn nỗi lo

THÔNG CHÍ LDO | 26/12/2019 16:58

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38,02 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vốn FDI tăng cao nhất trong 10 năm gần đây và vượt mọi dự báo nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo như quy mô vốn FDI đăng ký đang giảm mạnh, chất lượng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế…

Tăng cao nhất trong vòng 10 năm

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38,02 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số vốn giải ngân 20,38 tỉ USD lại là mức cao nhất kể từ trước tới nay. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ.

Nếu theo đối tác đầu tư, thì Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỉ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỉ USD. Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,5 tỉ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc... 

Trong khi đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy vốn FDI tăng cao nhưng quy mô vốn đăng ký FDI lại giảm sâu so với 2 năm trở lại đây. Ảnh: N.KHÁNG 

Vẫn còn nỗi lo

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượt dự án đăng ký đầu tư mới tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng tổng vốn đăng ký mới lại giảm là do quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án đã giảm từ mức 5,9 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,3 triệu USD năm 2019.

Cục này đánh giá, năm nay, ít có dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư mới.

Từ chuyện quy mô vốn FDI đăng ký đang giảm, các chuyên gia hàng đầu về FDI của Việt Nam tỏ rõ lo lắng. GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – phân tích, việc quy mô đăng ký dự án vốn FDI giảm nếu đặt trong bối cảnh vừa ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, thì câu chuyện vốn mỏng của dự án FDI càng cần phải có giải pháp.

“Ðể thực hiện Nghị quyết 50, cần có sự chuyển dịch về tư duy, cách thức lựa chọn dự án FDI. Nếu các địa phương vẫn muốn làm cái cũ, để có nhiều dự án FDI thì sẽ không chọn được dự án tốt mà nền kinh tế thật sự cần”, ông Mại nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Ðình Cung còn đặt nghi ngờ về chất lượng dự án và cách thức đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Với quy mô nhỏ, giảm dần, thì liệu có nghiên cứu và phát triển, có chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế không, trong khi đây là những điều chúng ta đang cần từ dòng vốn này”, ông Cung đặt thêm các câu hỏi.

Bên cạnh đó, trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trong năm qua, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, tiếp sau đó là Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan...mà vắng bóng những quốc gia có nền sản xuất hiện đại từ Châu Âu, Mỹ.

“Tôi không thấy đầu tư từ châu Âu và Hoa Kỳ trong khi chúng ta đang cần thu hút các dự án chất lượng cao từ các thị trường này”, ông Cung bày tỏ sự lo ngại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn