MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cành VRDF 2020.

VRDF 2020: Rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp Việt phải đương đầu là gì?

Hải Linh LDO | 29/09/2020 13:26
Theo các chuyên gia tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam- VRDF 2020, rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong kỷ nguyên tới là xu hướng bảo hộ thương mại đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Tìm cơ hội trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Tại phiên thảo luận "COVID-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu" của VRDF 2020 diễn ra vào sáng nay 29.9, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đặt vấn đề: “Ngay cả trong điều kiện bình thường, mà cơ hội đến, nhiều khi doanh nghiệp Việt Nam còn không nắm bắt được. Vậy trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay, Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội?”

Theo Tiến sĩ. Jonathan Pincus, Cố vấn quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), để giải quyết vấn đề trên, Việt Nam cần xác định rõ rủi ro và tập trung vào giải quyết nó.

Tiến sĩ. Jonathan Pincus cho rằng “một trong những rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là xu hướng bảo hộ thương mại đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu”. Trong khi năm 2019, trên thế giới đã xảy ra 1500 vụ mua bán sáp nhập để tăng quy mô, đặc biệt trong ngành ô tô thì các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay có quy mô rất nhỏ.

Tiến sĩ Jonathan Pincus khẳng định đây là bất lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Các doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao xử lý thách thức về quy mô và công nghệ, tăng trưởng quy mô, năng lực quản lý, công nghệ, đổi mới sáng tạo”, Cố vấn quốc tế cao cấp của UNDP gợi ý. Còn về phía chính phủ, ông Jonathan Pincus khuyến nghị chính phủ Việt Nam nên tập trung rà soát đầu tư công, tập trung vào một số vùng miền để cải thiện năng suất, tránh đầu tư dàn trải ra nhiều vùng miền như hiện nay.

Hiến kế đôi bên cùng có lợi

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề: Trong bối cảnh hiện nay, việc mở cửa thị trường có mâu thuẫn gì với phát triển dịch vụ trong nước không. Nếu độ mở của nền kinh tế lớn quá mà khu vực FDI không gắn kết được với nền kinh tế trong nước thì các doanh nghiệp nội địa sẽ bị bỏ lại.

Theo bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, để giải quyết vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải tập trung phát triển năng lực cạnh tranh trên 3 khía cạnh: Năng lực sản xuất, năng lực kết nối (năng lực hợp tác), năng lực phát triển. Trong đó, năng lực phát triển rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô.

“Nếu chính phủ có cơ chế giám sát tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm cơ khí thì nó là cơ hội gần nhất để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI”, bà Thanh nói.

“Hiến kế” cho Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Tiến sĩ Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng nếu để thị trường tự thân vận động thì rất nhiều rủi ro và nhiều chủ thể trên thị trường không đầu tư đúng mức.

“Vì vậy, cơ chế, các biện pháp khuyến khích của nhà nước là rất quan trọng nếu muốn các công ty đa quốc gia mang lại lợi ích cho chúng ta”, ông Jacques Morisset và khuyến nghị chính phủ nên tổ chức đối thoại với các công ty và tập đoàn đa quốc gia trên cơ sở cùng có lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn