MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu có dấu hiệu lừa đảo với thủ đoạn tinh vi, thì hình thức thanh toán nào cũng bị rủi ro. Vụ 36 container hạt điều đang bị "mất quyền kiểm soát" là một ví dụ. Ảnh: TL

Vụ 36 container hạt điều xuất khẩu nghi bị chiếm đoạt: Do thanh toán D/P?

Trần Thanh Hải LDO | 15/03/2022 11:30

Từ câu chuyện thanh toán trong xuất khẩu hạt điều – mặt hàng xuất khẩu số 1 thế giới của Việt Nam, lộ nhiều lỗ hổng rủi ro cho doanh nghiệp.

Trong khi vụ các container của doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều của Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Italia vẫn chưa có kết luận, có thông tin cho rằng phương thức thanh toán D/P là một nguyên nhân dẫn đến thiệt hại và tại sao doanh nghiệp Việt  ra thương trường quốc tế lại “hớ hênh” như thế...

Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại một số phương thức thanh toán quốc tế và khả năng áp dụng trong thực tế.

Điện chuyển tiền (T/T)

Ngân hàng người mua chuyển tiền cho ngân hàng người bán khi được người mua yêu cầu, nôm na giống như việc chuyển khoản giữa hai cá nhân với nhau. Phương thức này có ưu điểm là thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, không có nhiều điều kiện, thủ tục, không phải chuyển bộ chứng từ gốc thông qua ngân hàng, không phải ký quỹ (và do đó không bị đọng vốn).

Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này nằm ở thời điểm chuyển tiền. Nếu chuyển tiền trước khi nhận được hàng thì rủi ro sẽ nằm ở người mua vì có thể hàng hóa không đủ số lượng, không đạt chất lượng yêu cầu. Nếu để người mua nhận được hàng rồi mới chuyển tiền thì rủi ro chuyển sang người bán vì việc thanh toán lúc đó phụ thuộc thiện chí của người mua, nếu người mua không thanh toán hoặc nại lý do để trừ tiền thì người bán rơi vào thế khó xử.

Để tăng sự tin tưởng và chia sẻ rủi ro, hai bên có thể thỏa thuận người mua chuyển tiền trước 20-30%, số tiền còn lại chuyển sau khi scan bộ chứng từ và trước khi hàng tới cảng người mua. Thường phương thức này được áp dụng với những đối tác đã làm lâu năm, có độ tin cậy cao.

Trả tiền nhận chứng từ (D/P - Documents against Payment)

Người bán và người mua sử dụng ngân hàng như một đơn vị trung gian, đảm bảo. Sau khi giao hàng, người bán gửi bộ chứng từ đến ngân hàng người mua. Ngân hàng chỉ giao chứng từ cho người mua sau khi người mua đã thanh toán tiền hàng.

Với phương thức này, khả năng rủi ro của người bán sẽ thấp hơn vì nếu người mua không trả tiền thì sẽ không thể lấy được hàng. Trong trường hợp đó, người bán không mất hàng, nhưng sẽ mất thêm công sức, chi phí để đưa hàng về hoặc tìm khách hàng khác để bán lại lô hàng đó.

Ngoài ra, còn có phương thức khác cũng tương tự như phương thức D/P là phương thức CAD - Cash against Documents.

Thư tín dụng (L/C - Letter of Credit)

Ngân hàng người mua phát hành L/C, với các nội dung chi tiết tương ứng với các điều khoản trong hợp đồng, như một văn bản cam kết trả tiền cho bên bán. Khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ do người bán gửi đến và kiểm tra bộ chứng từ đó phù hợp với quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ trả tiền cho người bán.

Để đảm bảo việc thanh toán thì ngân hàng thường yêu cầu người mua phải ký quỹ trước một số tiền nào đó, thậm chí là 100% giá trị của hợp đồng. Do vậy, người mua trong trường hợp này sẽ bị chôn vốn ở ngân hàng. Như vậy, L/C là phương thức thanh toán đảm bảo nhất cho người bán, nhưng đồng thời cũng bất lợi nhất cho người mua.

Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán.

Điều đáng nói là, quay trở lại với vụ việc 36 container nhân hạt điều xuất khẩu của Việt Nam đang bị "mất quyền kiểm soát", nếu đúng đây là một vụ lừa đảo, thì hành vi lừa đảo này có thể diễn ra với bất kỳ hình thức thanh toán nào, chứ không phải chỉ với D/P hay CAD mà kể cả với L/C cũng "dính". Đây là một "lỗ hổng" trong thương mại quốc tế mà sau vụ này cần phải tìm cách khắc phục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn