MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vẫn đang chờ kết luận vụ Asanzo.

Vụ Asanzo: Bộ Công an đôn đốc bộ, ngành cung cấp tài liệu

CAO NGUYÊN LDO | 03/09/2019 19:05

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cơ quan này vừa có văn bản gửi 3 bộ, 2 cơ quan ngang bộ yêu cầu nhanh chóng cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo chỉ đạo về phía cơ quan Cục Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.

Nội dung văn bản ghi rõ, ngày 26.8, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nhận được công văn từ Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an về việc đề xuất, đôn đốc, chỉ đạo cung cấp tài liệu vụ việc của Asanzo.

Về nội dung này, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã có Công văn gửi các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để phối hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an.

Tuy nhiên, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa nhận được hồ sơ, tài liệu, kết quả kiểm tra xác minh của các bộ ngành liên quan trong vụ việc nêu trên.

Phía C03 cũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các cơ quan bộ, ngành cung cấp tài liệu, hồ sơ có liên quan, báo cáo kết quả kiểm tra về C03 trước ngày 30.8.2019. Mọi sự ảnh hưởng, chậm trễ sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xác minh và các bộ, cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Trong khi các cơ quan chức năng khác chưa lên tiếng, thì tại biên bản làm việc vào ngày 25.7 giữa nhóm giúp việc Tổ công tác VCCI với đại diện Cty Asanzo thì nhóm giúp việc Tổ công tác VCCI cho biết, hiện nay pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết chỉ có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không có quy định về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước như trường hợp của Công ty Asanzo.

Tuy nhiên, tại Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20.2.2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8.3.2018 đều có giải thích về sản xuất hàng hóa.

Cụ thể, "sản xuất" là các phương thức để tạo ra hàng hóa bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp.

Như vậy, nếu Việt Nam là nơi thực hiện hoạt động lắp ráp các linh kiện nhập khẩu thành hàng điện tử thành phẩm thì sẽ là nước sản xuất ra hàng hóa này.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp được chọn cách ghi cụm từ “xuất xứ”. Trường hợp này doanh nghiệp buộc phải ghi kèm tên nước sản xuất ra hàng hóa đó tức phải ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa mới đúng quy định pháp luật.

Việc ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn cho hàng hóa thuộc loại này chỉ có giá trị thể hiện hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, tuân thủ quy định pháp luật ghi nhãn hàng hóa của Việt Nam.

Theo đó, VCCI cho rằng, đối với trường hợp sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "chế tạo tại Việt Nam", "nước sản xuất Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam" hoặc "sản xuất bởi Việt Nam" là đúng quy định pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn