MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một thuỷ điện vừa và nhỏ ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: Thanh Tuấn

Vụ các thuỷ điện phản ứng bị tiết giảm công suất: Mong mỏi cơ chế mới

THANH TUẤN LDO | 31/08/2023 13:14

Nhiều chủ đầu tư thuỷ điện vừa và nhỏ ở tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi phản ứng trước việc từ tháng 3.2023 đến nay bị Tổng Công ty Điện lực miền Trung tiết giảm công suất huy động, bị sa thải… gây thiệt hại kinh tế, khó trả nợ ngân hàng. Theo các chủ đầu tư, họ đang mỏi mòn chờ chủ trương, hướng dẫn cụ thể từ ngành điện và Bộ Công Thương để đảm bảo hài hoà lợi ích.

Như Báo Lao Động phản ánh, hàng loạt thuỷ điện vừa và nhỏ ở tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi liên tục bị Tổng Công ty Điện lực miền Trung sa thải, tiết giảm công suất khi đang giữa mùa mưa. Các nhà máy không được phát huy hết công năng, hiệu suất thiết kế, đồng nghĩa với việc giảm nguồn thu, tiền bán điện.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế mà điều này còn dẫn đến hệ luỵ người dân các tỉnh, thành phố khó tiếp cận được với nguồn điện giá rẻ. Giá bán của thuỷ điện vừa và nhỏ 706 đồng/1KW, trong khi giá bán của nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời, điện gió từ 1.800 - 4.600 đồng/1KW.

Trong hợp đồng mua bán điện giữa Tổng Công ty Điện lực miền Trung và các nhà đầu tư thuỷ điện vừa và nhỏ (được huy động theo cơ chế chi phí tránh được) ở tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, bên mua thoả thuận với bên bán việc mua điện theo công suất huy động. Các nhà máy không được phép phát vượt công suất thoả thuận đã ký.

Điều này đẩy các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ ở miền Trung, Tây Nguyên vào thế khó khi không phát huy hết công năng, hiệu suất thiết kế.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Điện lực Kon Tum cho biết, đơn vị chỉ thực hiện theo chỉ đạo từ cấp trên với các chủ trương, chính sách của ngành điện, theo phân cấp, phân quyền quản lý.

Riêng mẫu hợp đồng về thoả thuận mua bán điện, công suất huy động thì được soạn sẵn theo mẫu của Bộ Công Thương ban hành.

Trước kiến nghị của đại diện các chủ thuỷ điện, Điện lực Kon Tum và Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã họp bàn, trao đổi, tiếp tục gửi văn bản kiến nghị ra Bộ Công Thương xin ý kiến, điều chỉnh về thoả thuận huy động công suất. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang chờ và chưa có chủ trương gì mới.

Riêng sản lượng điện phát vượt công suất của các thuỷ điện, Điện lực Kon Tum vẫn đang để “treo” trong tài khoản, nếu khi Tập đoàn EVN đồng ý sẽ có quyết định thanh toán cho chủ đầu tư, để chủ đầu tư chi trả cho người lao động và khoản thuế, phí nghĩa vụ với nhà nước.

Liên quan đến việc bị sa thải và tiết giảm công suất phát, ông Trần Tuệ Quang- Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã có văn bản phúc đáp cho rằng, đề nghị các chủ đầu tư thuỷ điện rà soát lại hợp đồng mua bán điện, làm việc cụ thể với bên mua (Tổng Công ty Điện lực miền Trung) và các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng.

Các quy định pháp luật về tài nguyên nước thì đề nghị chủ thuỷ điện trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm rõ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn