MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân muốn nhà nước trực tiếp quản lý hệ thống điện tại địa phương. Ảnh: Phạm Đông

Vụ cai thầu điện ở Bắc Ninh: Đơn vị kinh doanh mập mờ về hóa đơn thu tiền

Phạm Đông - Anh Thư LDO | 25/07/2019 18:03

Liên quan đến vụ việc tiền điện tăng cao, người dân muốn xóa bỏ việc cai thầu điện xảy ra tại phố Đa Hội (phường Châu Khê, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh), PV Báo Lao Động đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Trần Đức Thi - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đa Hội, đơn vị chủ quản đường điện để hiểu rõ hơn về sự việc.

Phủ nhận việc tự ý cắt điện của người dân

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Đức Thi phủ nhận chuyện tự ý cắt điện của người dân và cho biết, năm 2005 ông tiếp quản đường điện của HTX Đa Hội trong tình trạng còn 11 trạm biến thế. 

Từ 2015 đến nay, tất cả hệ thống đường điện có sửa chữa, đầu tư thêm nhưng do điều kiện đầu tư không đồng bộ nên vẫn có sự hao tải điện, dẫn đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đa Hội và người sử dụng điện thiệt thòi.

"Chúng tôi không tự ý cắt điện của người dân với lý do ý kiến việc tiền điện tăng cao. Những hộ bị cắt điện là do ăn trộm điện, họ sử dụng máy đánh lùi số điện và dùng dây kéo điện trực tiếp từ cột xuống", ông Thi nói.

Vị này cho biết thêm, ngoài ra, những hộ cố tình sử dụng 2 bên nguồn điện cũng bị chúng tôi cắt điện vì lo sợ các pha chập vào nhau dẫn đến cháy nổ.

Hệ thống điện lưới ở Đa Hội đã xuống cấp trầm trọng.

Còn về việc người dân không có hóa đơn giá trị gia tăng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đa Hội - lại thanh minh rằng, những tờ giấy mà người dân cung cấp cho PV mới chỉ là giấy báo, chứ chưa phải là hoá đơn. Sau khi có giấy báo, người dân đóng tiền, bên đi chốt số sẽ trả người dân hoá đơn.

Tuy nhiên, hành động của ông Thi khi đưa cho PV xem tờ hoá đơn giá trị gia tăng của hai gia đình Trần Văn Minh và Trần Đức Tước (ở Đa Hội), ngày 28.6.2019, liên 2 giao cho khách hàng lại chứng minh ngược lại so với điều ông nói.

Nếu đã đưa hoá đơn đỏ cho người dân sau khi đóng tiền, thì làm sao ông Thi lại có trong tay hoá đơn giá trị gia tăng trên.

Đồng thời, anh Trần Đức Tước trao đổi với PV chỉ nhận được duy nhất giấy báo tiền điện và chưa bao giờ được cầm hoá đơn giá trị gia tăng.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao người dân đóng tiền mà không được nhận hoá đơn giá trị gia tăng?.

Hóa đơn GTGT ông Trần Đức Thi cung cấp cho PV.

Khúc mắc trong việc định giá tài sản

Về việc người dân muốn Nhà nước trực tiếp quản lý điện, ông Trần Đức Thi cho hay: “HTX có yêu cầu định giá tài sản (cột, dây, đồng hồ, biến thế…) mà chấp thuận được, sẽ bàn giao cho ngành điện. Tuy nhiên, chúng tôi không có sự thống nhất về định giá tài sản với ngành điện".

"Ngoài ra, chủ doanh nghiệp đã thống nhất ngành điện đầu tư mạng lưới điện đến đâu thì thì rút đến đó. Chúng tôi không có lợi ích nhóm, không thiết tha vì giấy phép hoạt động đã hết thì chúng tôi giữ làm gì. Trong lúc chưa bàn giao, HTX vẫn duy trì không được để mất điện, cắt điện với nhân dân", ông Thi cho hay.

Còn ông Trần Văn Thắng - Chủ tịch UBND phường Châu Khê cho biết, hiện nay, phường Châu Khê là địa phương duy nhất chưa bàn giao mạng lưới điện cho ngành điện.

“Hiện nay, đơn vị tư nhân chưa chấp nhận bàn giao lưới điện do không đồng thuận với định giá tài sản do hội đồng định giá của tỉnh Bắc Ninh quy định” - ông Thắng nói.

Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Châu Khê. Ảnh: Đoàn Bổng.

Trước mong muốn cơ quan chức năng sớm triển khai, hỗ trợ hoàn thành việc bàn giao lưới điện về nhà nước quản lý, bán trực tiếp cho người dân sử dụng, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo UBND TX.Từ Sơn cùng Cty Điện lực Bắc Ninh, Sở Công Thương rà soát báo cáo UBND tỉnh.

Về việc định giá tài sản, UBND TX.Từ Sơn, UBND phường Châu Khê hoàn thiện toàn bộ gửi về Hội đồng định giá tài sản lưới điện dân sinh phường Châu Khê để định giá.

Khi HTX và chủ tài sản lưới điện thống nhất mức bồi thường, hỗ trợ, báo cáo UBND tỉnh.

Trường hợp các hộ kinh doanh điện không thống nhất mức hỗ trợ, tỉnh sẽ đầu tư lưới điện sinh hoạt phục vụ người dân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn