MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng rào barie dùng để đòi nợ trước cổng Công ty Việt Sinh đã được tháo dỡ. Ảnh: Ngọc Duy

Vụ doanh nghiệp bị đòi nợ bằng xe cứu hoả: Đã tháo dỡ barie trước công ty

Huân cao - Ngọc Duy LDO | 04/02/2023 12:13
TPHCM - Vụ chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Tạo (TPHCM) dùng các xe chữa cháy chặn lối ra vào trước Công ty để đòi nợ phí duy tu, đến sáng 4.2, rào chắn barie trước cổng ra vào Công ty TNHH TMSX điện trở đốt nóng Việt Sinh đã được tháo dỡ để công ty hoạt động trở lại.

Sáng ngày 4.2, ghi nhận của PV Báo Lao Động, hàng rào bằng barie trước cổng Công ty TNHH TMSX điện trở đốt nóng Việt Sinh (Công ty Việt Sinh) đã được chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Tạo cho di dời, tháo dỡ để Công ty Việt Sinh có thể hoạt động sản xuất trở lại.

Hàng rào barie của chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Tạo đã được di chuyển sang nơi khác, không còn rào chắn trước cổng ra vào Công ty Việt Sinh - Ảnh: Ngọc Duy

Chia sẻ nhanh với Lao Động, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy - Giám đốc  Công ty Việt Sinh cho biết, bà rất vui khi biết công ty có thể hoạt động trở lại và mong phía Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo (Công ty Tân Tạo - ITACO) đưa ra hướng giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật về những tranh chấp giữa 2 bên. 

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Tạo, cho biết việc thu phí duy tu, tái tạo hạ tầng trên địa bàn TPHCM là theo quyết định số 43/2008 của Bộ Tài chính. Theo đó, các đơn vị đầu tư, kinh doanh hạ tầng thực hiện việc thu hộ phí duy tu và nộp vào một tài khoản độc lập với tài khoản doanh nghiệp. Phí duy tu của Khu công nghiệp Tân Tạo dùng vào nhiều mục đích như: duy tu tái tạo đường sá; xử lý hệ thống nước thải; chăm sóc, trồng mới cây xanh; chi phí bảo vệ an ninh trật tự… Kế hoạch sử dụng phí này phải thông qua và chịu sự kiểm soát từ Ban quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TPHCM (Hepza).

"Tân Tạo chỉ là một người thu hộ. Phí duy tu đó có hai phần, một phần 10% trích về cho Hepza để sử dụng cho mục đích giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp, 90% còn lại thì sử dụng cho các mục đích duy tu như trên. Khu công nghiệp Tân Tạo có khoảng 280 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp chưa đóng đầy đủ phí duy tu, chiếm khoảng 5%. Đa phần các doanh nghiệp đều có lộ trình nộp phí vào tài khoản thu hộ, nhưng đặc biệt có Công ty Việt Sinh từ năm 2009 đến bây giờ chỉ đóng phí duy tu một vài đợt không đáng kể. ITACO chỉ đang bảo vệ quyền lợi của cộng đồng các doanh nghiệp đầu tư và chấp hành tốt quy định nộp phí tại đây. Thử hình dung nếu một ông không làm nghiêm mà 300 ông không đóng thì khu công nghiệp này duy tu kiểu gì. Một ông chây ì không đóng phí vẫn sử dụng hạ tầng như một ông đóng phí đàng hoàng thì làm sao công bằng", ông Phong nói.

Đường sá đã thông thoáng trở lại, đảm bảo cho hoạt động sản xuất của Công ty Việt Sinh - Ảnh: Ngọc Duy

Cũng theo ông Phong, sắp tới sẽ có buổi làm việc 3 bên giữa ITACO, Hepza và Công ty Việt Sinh để giải quyết sớm vấn đề này và cũng thể hiện thiện chí của ITACO, ông cũng mong phía Công ty Việt Sinh cũng sẽ thể hiện thiện chí hợp tác.

Trước đó, ngày 3.2, Lao Động có đăng bài viết "Chính quyền vào cuộc vụ doanh nghiệp bị đòi nợ bằng xe cứu hoả" phản ánh việc ITACO dùng xe cứu hỏa để "phong tỏa" lối ra vào trước cổng Công ty Việt Sinh (có trụ sở tại đường số 7, Khu công nghiệp Tân Tạo) để gây áp lực và đòi nợ phí duy tu.

Về phía Công ty TNHH Việt Sinh, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy cho biết, tranh chấp giữa Công ty Việt Sinh và chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Tạo xuất phát từ việc công ty của bà không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hợp đồng đã ký kết năm 2007 giữa Công ty Việt Sinh và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo, mặc dù công ty bà đã thanh toán đủ số tiền thuê thửa đất hơn 3.000 m2 gần 5 tỉ đồng. Đồng thời, bà Thùy cũng không đồng ý với việc ITACO thu tiền phí duy tu hạ tầng 513 triệu đồng và số tiền lãi do chậm nộp là 526 triệu đồng (phạt lãi 150%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn