MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau khi báo Lao Động phản ánh, nội dung bảng quảng cáo của Gojek đã tháo dỡ. Ảnh: Huân Cao

Vụ Gojek tái diễn vi phạm quảng cáo: Tháo dỡ nội dung quảng cáo vi phạm

Huân Cao LDO | 15/11/2022 15:29

Sau khi báo Lao Động đăng bài "Gojek tái diễn vi phạm quảng cáo đơn vị tiền tệ Việt Nam bằng "K", ngành Văn hóa Thông tin TPHCM phối hợp cùng Cơ quan chức năng quận 1 tiến hành xử lý vi phạm và buộc Gojek tháo dỡ nội dung quảng cáo vi phạm.

Ngày 15.1, thông tin từ UBND Quận 1 cho biết, lực lượng chức năng quận phối hợp cùng đơn vị liên quan của Sở Văn hóa Thông tin đã tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm và buộc đơn vị quảng cáo Gojek tháo dỡ nội dung quảng cáo vi phạm đơn vị tiền tệ của Việt Nam.

Theo ghi nhận của PV, nội dung bảng quảng cáo của Gojek ngay ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (Phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TPHCM) với hình ảnh nhóm nhạc BTS Hàn Quốc, kèm thông tin "Yêu mình đừng để mình đói - GoFood nha - Tặng bạn mới 300K", hiện không còn và đã bị tháo dỡ.

Nội dung bảng quảng cáo của Gojek vi phạm khi ghi đơn vị tiền tệ Việt Nam là K. Ảnh chụp ngày 1.11.2022.

Trước đó, ngày 1.11.2022, Báo Lao Động có đăng bài "Gojek tái diễn vi phạm quảng cáo đơn vị tiền tệ Việt Nam bằng "K", phản ánh doanh nghiệp này đã vi phạm khi ghi đơn vị tiền tệ Việt Nam là "K" trong bảng quảng cáo.

Điều đáng nói trước đó vào tháng 1.2022, doanh nghiệp này cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ nội dung quảng cáo với hành vi vi phạm tương tự.

Luật sư Lê Trung Phát - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, thì đơn vị tiền tệ của nước ta là “đồng” ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”. Như vậy, chữ “k” mà Gojek ghi trên bảng quảng cáo không là ký hiệu để nói và viết liên quan đến đơn vị tiền Việt Nam.

"Khi xin cấp phép về quảng cáo, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ việc này và cơ quan cấp phép cũng tuân thủ việc cấp phép theo Luật Quảng cáo 2012.

Như vậy, từ việc cấp phép đến việc gắn biển quảng cáo thực tế, có thể doanh nghiệp đã chỉnh sửa nội dung này.

Hành vi này, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm D, Khoản 3, Điều 42 Nghị định 38/2021, đồng thời, doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ biển hiệu quảng cáo" - luật sư Phát cho biết.

 Hiện nội dung quảng cáo đã tháo dỡ. Ảnh chụp ngày 15.11.2022.

Luật sư Phát chia sẻ thêm thông tin, việc vi phạm của doanh nghiệp trong trường hợp này được xem là tái phạm, theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020.

Bởi trước đó, vào tháng 1 năm 2022, doanh nghiệp đã bị xử phạt, đến nay lại tiếp tục vi phạm (hành vi vi phạm liên tiếp xảy ra trong khoảng thời gian chưa hết 01 năm). Vì thế, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm như thế này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn