MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ hàng nghìn dân Tân Tây Đô dùng nước độc: Trách nhiệm của chủ đầu tư Hải Phát đến đâu?

Phạm Dung - Tuấn Anh LDO | 04/08/2018 10:20

Dù khẳng định việc cư dân khu đô thị Tân Tây Đô yêu cầu Hải Phát phải cung cấp nước sạch là chưa đúng quyền hạn và khả năng của doanh nghiệp nhưng hàng tháng, Cty Hải Phát vẫn đều đặn thu tiền nước của người dân. 

Cư dân Tân Tây Đô tố chủ đầu tư thờ ơ

Trước tình trạng phải sử dụng nguồn nước độc hại, cư dân tại khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã nhiều lần lên tiếng kêu cứu, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, họ vẫn đang phải sử dụng nguồn nước có nguy cơ gây bệnh này.

Bà Lê Thị Thu, thành viên ban Quản trị tòa nhà CT2A-B cho biết, tất cả những xét nghiệm suốt 5 năm qua đều khẳng định Asen trong nước vượt 3 lần mức cho phép, Amoni 6 lần chưa kể những thành phần khác.

Ngày 9.11.2017, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại khu đô thị Tân Tây Đô. Theo kết luận thực tế kiểm tra trạm cấp nước: Mặt bằng trạm cấp nước còn nhiều cạn sắt, rêu, thành bể lọc có hiện tượng rò rỉ. Một số vật liệu để ngoài trời sắp xếp chưa gọn. Ngoài ra, kho hóa chất Clorin đảm bảo tem nhãn phụ, đăng ký lưu hành Phèn dắt chưa có tem nhãn phụ về Tiếng Việt. Ngoài ra, đơn vị báo cáo là không sử dụng Javel, thuốc tím trong xử lý nước nhưng vẫn để trong kho hóa chất.

Biên bản làm việc của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội.
 Nhiều thùng hóa chất không có nhãn mác bị phát hiện.

Bà Thu cũng cho biết, sau khi gửi văn bản đến các cấp chính quyền, cư dân cũng nhận được các văn bản chuyển đơn từ các cơ quan cấp trung ương chuyển xuống. Cấp thành phố cũng đã ra 2 văn bản, một của UBND TP Hà Nội, một của Sở xây dựng TP, đều yêu cầu phía chủ đầu tư là công ty cổ phần đầu tư Hải Phát và công ty cung cấp nước sạch là công ty CP đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam phải phối hợp với ban quản trị để đấu nối được nguồn nước sông Đà do Công ty cổ phần Tây Hà Nội đang thi công đi qua khu đô thị, để mang nước sạch về cho người dân.

Tuy nhiên, sau nhiều lần người dân yêu cầu và thúc giục, chủ đầu tư vẫn không có phản hồi, mà chỉ nói rằng “chúng tôi đang cố gắng”.

“Hải Phát là một chủ đầu tư không có lương tâm, rất coi thường khách hàng. Trong khi bán hàng thì quảng cáo nước rất sạch, công nghệ Nhật Bản. Chúng tôi không biết nước sạch kiểu gì khi mà các đoàn thanh tra đến kiểm tra toàn các thùng hóa chất không hề có nhãn mác”, bà Thu, đại diện BQT tòa nhà cho biết.

Chủ đầu tư nói không có trách nhiệm

Trong thông cáo mới nhất gửi đến báo chí, Công ty CP đầu tư Hải Phát khẳng định: “Công ty đã làm đúng vai trò và trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhằm tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề nước sạch cho cư dân HHB và CT2A-B. Việc cư dân yêu cầu Hải Phát phải cung cấp nước sạch là chưa đúng quyền hạn và khả năng của doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về việc cung cấp nước sạch tại khu đô thị Tân Tây Đô, UBND huyện Đan Phượng đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét xử lý trách nhiệm Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát (Công ty Hải Phát), Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ & Môi trường Việt Nam và các đơn vị liên quan trong việc cung cấp nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng theo quy định.

Cũng theo người dân HHB và CT2A-B, trong văn bản số 437 về việc điều chỉnh đơn giá nước sạch tại  các tòa nhà HHB và CT2A-B mà Hải Phát gửi đến các cư dân có ghi rõ, căn cứ Hợp đồng cung cấp nước sạch số 61/HĐCCNS/HP-MTVN ngày 9.4.2016 giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát và Công ty Cổ phần Đầu Tư Công nghệ Môi trường Việt Nam. Như vậy, CĐT Hải Phát chính là đơn vị đứng ra ký hợp đồng mua nước của Công ty Cổ phần Đầu Tư Công nghệ Môi trường Việt Nam và bán lại cho người dân.

Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát và Công ty Cổ phần Đầu Tư Công nghệ Môi trường Việt Nam đã ký với nhau Hợp đồng cung cấp nước sạch số 61. 

“Hàng tháng, Hải Phát đứng ra thu tiền nước của cư dân chúng tôi. Và trách nhiệm không phải của Hải Phát thì là của ai?”, các cư dân HHB và CT2A-B bức xúc.

 Phiếu thu tiền nước hàng tháng của Hải Phát.

Thành viên BQT tòa nhà CT2A-B cũng cho biết, BQT đã yêu cầu cuộc gặp ba bên gồm chủ đầu tư, phía công ty Tây Hà Nội và người dân để thương thảo và giải quyết vấn đề nhưng đều không được chấp thuận.

Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn