MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trang Web của một doanh nghiệp cấp chứng chỉ đấu thầu, quản lý dự án trước đây được quảng cáo rầm rộ, nhưng hiện tại đã đóng lại.

Vụ mua bán chứng chỉ đấu thầu, quản lý dự án: Cơ quan quản lý không thể đứng ngoài cuộc

TIẾN DŨNG LDO | 05/12/2019 08:41

Theo quy định, các cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu, xây dựng phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, quản lý dự án, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đào tạo, cấp (thực chất là mua - bán) chứng chỉ hoạt động sai quy định pháp luật. Vậy hàng trăm, hàng nghìn dự án đã, đang thực hiện có cá nhân tham gia đấu thầu, quản lý dự án không đủ điều kiện, vi phạm pháp luật, thì ai chịu trách nhiệm?

Chứng chỉ “ma” tham gia dự án thật

Như Báo Lao Động đã thông tin, hiện nay, hàng loạt đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ đấu thầu, chứng chỉ quản lý dự án công khai, thậm chí cấp qua tin nhắn, zalo, messenger… mà không cần xác định học viên là ai, đang làm nghề gì, sử dụng chứng chỉ vào mục đích nào, vi phạm các quy định pháp luật. Có thể thấy, hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ đấu thầu, quản lý dự án gần như bị buông lỏng, để doanh nghiệp tự tung, tự tác.

Tại văn bản số 1207 ngày 28.11.2019, của Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Báo Lao Động, khẳng định: Việc mua bán chứng chỉ đào tạo đấu thầu như thông tin đăng tải trên Báo Lao Động là đi ngược với mục tiêu của công tác đấu thầu, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công tác đấu thầu. Còn tại văn bản số 1221 ngày 2.12.2019, Cục Quản lý Đấu thầu cũng nhấn mạnh: Theo phản ánh của Báo Lao Động, việc làm của Cty Cổ phần Đào tạo và Quản lý kinh tế là hành vi vi phạm quy định pháp luật. Việc cá nhân không đáp ứng quy định tại khoản 1, Điều 8, Thông tư 04 vẫn được cấp và sử dụng chứng chỉ đấu thầu là không phù hợp, được coi là hành vi vi phạm pháp luật, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả…

Câu hỏi đặt ra, với việc đào tạo, cấp chứng chỉ đấu thầu trên phạm vi cả nước, mỗi tháng mở 2 lớp tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, thì số lượng học viên được các đơn vị này cấp chứng chỉ đấu thầu, quản lý dự án sẽ là hàng trăm, hàng nghìn người, chưa kể một lượng lớn người học được cấp qua zalo, messenger… Như vậy, đã có hàng trăm, hàng nghìn người sử dụng chứng chỉ đấu thầu, chứng chỉ quản lý dự án vi phạm pháp luật tham gia vào hoạt động đấu thầu, hoạt động xây dựng, những dự án không đủ điều kiện đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm và khi chứng chỉ “ma” tham gia vào dự án thật thì hệ quả của nó sẽ như thế nào?

Ai chịu trách nhiệm?

Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, ngày 13.7.2016, Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã ban hành văn bản số 614 về việc cập nhật thông tin cơ sở đấu thầu, trong đó cho phép Cty Cổ phần Đào tạo và Nghiên cứu quản lý kinh tế, được tiếp tục thực hiện công tác đào tạo về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định pháp luật khác có liên quan. Thế nhưng, việc kiểm tra đối với các doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo, cấp chứng chỉ đấu thầu thì dường như Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang bỏ ngỏ, để mặc doanh nghiệp tự tung, tự tác.

Cũng liên quan đến vụ việc, trao đổi với Báo Lao Động, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng - khẳng định: Chứng chỉ do các công ty cấp không phải là chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, hiện nay có tới hàng trăm doanh nghiệp hiện đang tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ quản lý dự án. Những chứng chỉ này được phục vụ trong một số hoạt động của ngành Xây dựng, thì trách nhiệm thuộc về ai(!?)

Chứng chỉ đấu thầu, chứng chỉ quản lý dự án mua bán công khai nhưng được sử dụng vào việc đấu thầu, xây dựng. ở đây, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể ngoài cuộc…

“Kiến trúc sư Nguyễn Thế Duy - Giảng viên khoa Xây dựng, trường Đại học Dân lập Hải Phòng - cho rằng, hiện tại hệ thống tuyển dụng hay xét năng lực của chúng ta, đang yêu cầu các chứng chỉ là cực kỳ vô lý. Nếu kỹ năng đó là cần thiết thì chúng ta hãy cho kiểm tra trình độ thực tế thay vì công nhận 1 tờ giấy vô tri, nó tạo ra sự lãng phí tiền bạc và thời gian. Phải chăng có vấn đề lợi ích nhóm trong việc thông qua các yêu cầu trên, để các trung tâm, cá nhân được hưởng lợi trong việc này. Đặc biệt là các chứng chỉ đấu thầu, quản lý dự án, khi một người có đủ năng lực, họ sẽ làm tốt công việc của mình và ngược lại. Trong trường hợp như Báo Lao Động đăng tải, chứng chỉ đấu thầu, quản lý dự án được mua bán công khai, vi phạm pháp luật, cần làm rõ điều này và xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, giảm bớt thủ tục hành chính, nhất là các loại chứng chỉ như hiện nay, bởi nó không có giá trị thực tiễn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn