MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ tái chế hàng trăm nghìn bao cao su cũ: Vẫn chưa tìm ra chủ lô hàng

Cường Ngô LDO | 25/09/2020 16:04
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, đến thời điểm này, vẫn chưa tìm ra chủ lô hàng hơn 300.000 chiếc bao cao su đã qua sử dụng được tái chế là ai, cơ quan chức năng vẫn đang truy xét.

Liên quan vụ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương bắt tại trận bà Phạm Thị Thanh Ngọc (sinh năm 1987, quê Nghệ An) gia công tái chế bao cao su đã qua sử dụng, không bao bì, không ghi nhãn, ông Trần Văn Tùng - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, đến thời điểm hiện nay, đối tượng Ngọc vẫn khai nhận chỉ là người làm thuê, nhận gia công tái chế hơn 300.000 bao cao su (360kg). Bà này nói "không biết địa chỉ chủ lô hàng cũng không biết người này là ai".

Theo đó, cứ khoảng 30 ngày/1 lần, bà Ngọc sẽ nhận bao cao su đã qua sử dụng từ người này để súc rửa, phơi khô, phân loại và dùng dương vật giả để vuốt lại, tạo hình như mới và giao hàng đã gia công cùng ngày với nhận hàng gia công.

“Người gia công này khai chỉ có bấy nhiêu và nói chỉ biết một số điện thoại để liên hệ. Nhưng khi cơ quan chức năng liên hệ, số thuê bao đã tắt máy, không gọi được”, lãnh đạo Cục quản lý thị trường Bình Dương cho biết.

Ông Tùng cho hay, cơ quan quản lý thị trường vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khác nghiên cứu, xem xét các hướng xử lý. Trước mắt sẽ xử phạt hành chính với bà Phạm Thị Thanh Ngọc.

Bao cao su được tái chế. Ảnh: DMS

Đại diện cơ quan quản lý thị trường cũng cho hay, do chưa tìm được người chủ mưu, nên chưa rõ được nguồn gốc thu gom của số bao cao su này và cũng không biết họ sẽ sử dụng vào mục đích gì sau tái chế.

“Số bao cao su này không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua sử dụng, nguy cơ lây lan bệnh là rất có thể. Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng mua sắm hàng hoá phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ở những địa chỉ uy tín…”, ông Tùng nói.

Được biết, một kg gia công bao cao su, đối tượng Ngọc được 4.000 đồng. Với 360kg này, người phụ nữ gia công được hơn 1,4 triệu đồng. Nếu phù phép bán ra thị trường, người thuê có thể lời gấp 5 đến 6 lần, mặc cho những nguy hiểm bệnh tật như lậu, HIV mà người khác phải đối mặt.

Bác sĩ Dương Ngọc Vân, chuyên khoa Sản, BV Đa khoa Medlatec khẳng định, việc tái sử dụng lại bao cao su dù có được “làm sạch” vẫn có nguy cơ cao lây các bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục và không đảm bảo hiệu quả trong phòng tránh thai.

Theo đó, hàng loạt bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn thường gặp như trùng roi (có thể gây vô sinh với nam), bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà, HIV/AIDS.

Trước đó, ngày 19.9, Cục quản lý thị trường Bình Dương đã phối hợp cùng lực lượng công an bất ngờ kiểm tra khu nhà trọ ở địa chỉ Tổ 4, Đường DX12, khu phố Hóa Nhựt, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã bắt tại trận bà Phạm Thị Thanh Ngọc đang tái chế bao cao su đã qua sử dụng, không bao bì, không ghi nhãn.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ khoảng 300.000 chiếc (tương đương với 360kg) tang vật gồm bao cao su đã qua sử dụng chưa tái chế và đã tái chế, chuyển về cơ quan quản lý thị trường để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian vừa qua, cơ quan quản lý thị trường qua tiến hành kiểm tra đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc tái chế các sản phẩm cũ gây nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng như khẩu trang, găng tay y tế...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn